• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ THÔNG BÁO TÌM NGƯỜI MẤT TÍCH

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ THÔNG BÁO TÌM KIẾM NGƯỜI VẮNG MẶT TẠI NƠI CƯ TRÚ, TUYÊN BỐ MẤT TÍCH, TUYÊN BỐ CHẾT TRONG BỘ LUẬT DÂN SỰ

1. Lấy lý do bố mình đã đi biệt tích, anh Lê Văn A đã làm đơn gửi đến UBND xã B yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và yêu cầu để mình được quản lý tài sản của bố để lại. Nhưng UBND xã B cho rằng việc yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và việc giao cho người khác quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú không thuộc thẩm quyền của mình. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành anh A phải làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền nào để giải quyết yêu cầu của mình?

Theo Điều 64 Bộ luật dân sự quy định Khi một người biệt tích 06 tháng liền trở lên thì những người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự và có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này.

Như vậy, khi bố của anh A đã đi biệt tích và anh Lê Văn A đã làm đơn gửi đến UBND xã S yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và yêu cầu để mình được quản lý tài sản của bố để lại là đã gửi đến cơ quan không có thẩm quyền giải quyết. Do đó việc UBND xã B cho rằng việc yêu cầu thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú và việc giao cho người khác quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú không thuộc thẩm quyền của mình là đúng với quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, căn cứ vào Điều 64 Bộ luật dân sự nêu trên anh A phải làm đơn gửi đến Toá án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố dụng dân sự để giải quyết yêu cầu của mình.

2. Sau khi được Toà án chấp nhận yêu cầu tuyên bố ông C vắng mặt tại nơi cư trú, anh H muốn Toà án giao việc quản lý tài sản của ông C cho  anh quản lý trong khi đó tài sản chung giữa ông C và bà M, và bà M vẫn còn sống. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, yêu cầu của anh D có căn cứ pháp luật không?

Tại khoản 1 Điều 65 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho những người sau đây quản lý:

- Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;

- Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

- Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

Như vậy, khi Toà án tuyên bố ông C vắng mặt tại nơi cư trú thì căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 65 Bộ luật dân sự nêu trên, tài sản của ông B nằm trong khối tài sản chung với vợ ông là bà M sẽ do bà M quản lý. Trong trường hợp này việc anh H muốn Toà án giao việc quản lý tài sản của ông C cho anh quản lý là không có căn cứ pháp luật.

3. Người quản lý lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các nghĩa vụ gì?

a) Nghĩa vụ của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:

- Giữ gìn, bảo quản tài sản của người vắng mặt như tài sản của chính mình.

- Bán ngay tài sản là hoa màu, sản phẩm khác có nguy cơ bị hư hỏng.

         - Thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt bằng tài sản của người đó theo quyết định của Tòa án.

- Giao lại tài sản cho người vắng mặt khi người này trở về và phải thông báo cho Tòa án biết; nếu có lỗi trong việc quản lý tài sản mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

b) Quyền của người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú:

- Quản lý tài sản của người vắng mặt.

- Trích một phần tài sản của người vắng mặt để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn, nghĩa vụ tài chính khác của người vắng mặt.

- Được thanh toán các chi phí cần thiết trong việc quản lý tài sản của người vắng mặt.

4. Xin hãy cho biết pháp luật quy định người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền gì?

Theo quy định tại Điều 65 Bộ luật dân sự, người quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú có các quyền sau đây:

a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt uỷ quyền quản lý thì người được uỷ quyền tiếp tục quản lý;

b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

5. Do có mâu thuẫn nên chị C là vợ của anh B bỏ nhà ra đi. Nay anh GH nộp đơn xin tuyên bố mất tích với lý do chị C bỏ nhà ra đi đã 1 năm mà không có tung tích có được không?

Khoản 1 Điều 68 Bộ luật dân sự quy định Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì khi chị C bỏ nhà ra đi 1 năm mà không có tung tích vẫn chưa đủ điều kiện về thời gian để anh H yêu cầu xin tuyên bố chị C mất tích.

6. Xin hãy cho biết pháp luật quy định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích trong những trường hợp nào?

Huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích trong những trường hợp sau:

1. Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

2. Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý.

3. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích đã được ly hôn thì dù người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống, quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật.

4. Quyết định của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

7. Mặc dù biết rõ tin tức của ông H sau khi bị tuyên bố mất tích, nhưng ông K là người có quyền và lợi ích liên quan vẫn cố tình không yêu cầu Toà án tuyên bố huỷ quyết định tuyên bố ông H mất tích. Vậy trong trường hợp này ông H có vi phạm pháp luật không?

Khoản 1 Điều 70 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định Khi người bị tuyên bố mất tích trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất tích đối với người đó.

Đối chiếu với quy định nêu trên, thì việc yêu cầu huỷ bỏ quyết định tuyên bố một người mất tích là quyền của người mất tích hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan. Trong trường hợp nêu trên khi biết rõ tin tức của ông H sau khi bị tuyên bố mất tích mà ông K là người có quyền và lợi ích liên quan vẫn không yêu cầu Toà án tuyên bố huỷ quyết định tuyên bố ông H mất tích cũng không bị coi là vi phạm pháp luật.

8. Xin hãy cho biết pháp luật quy định người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp nào?

- Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

+ Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

+ Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

+ Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

+ Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

- Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.

- Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

9.  Bà X bỏ nhà ra đi đã 5 năm mà không có tin tức gì mặc dù đã tìm mọi cách để tìm kiếm. Nay gia đình bà N  muốn yêu cầu Toà án tuyên bố bà N đã chết có được không?

Tại khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự quy định người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Toà án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong các trường hợp sau đây:

a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.

Trong trường hợp nêu trên, khi bà N bỏ nhà ra đi đã 5 năm mà không có tin tức gì mặc dù đã tìm mọi cách để tìm kiếm thì căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 71 Bộ luật dân sự năm 2015, gia đình bà N có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố bà N  đã chết theo quy định của pháp luật hiện hành.

10. Sau khi được Toà án ra quyết định tuyên vợ mình là chị G là đã chết, anh P đã tiến hành kết hôn với chị Q. Nhưng sau 6 tháng kể ngày anh P kết hôn chị G trở về. Vậy quan hệ hôn nhân giữa anh P và chị Q có bị toà án xem xét huỷ hay không?

Điều 72 Bộ luật dân sự quy định khi quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật, thì các quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ khác về nhân thân của người đó được giải quyết như đối với một người đã chết.

Quan hệ tài sản của người bị Toà án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với một người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế.

Như vậy, khi Toà án ra quyết định tuyên chị G là đã chết, thì các quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ khác về nhân thân giữa chị G với anh P cũng sẽ chấm dứt. Do đó nếu sau 6 tháng kể ngày anh P kết hôn mà chị G trở về thì quan hệ hôn nhân giữa anh P và chị G cũng sẽ không được khôi phục lại vì anh P đã kết hôn với chị G. Như vậy, Toà án sẽ không xem xét huỷ quan hệ hôn nhân giữa anh P và chị Q ngay cả khi công nhận chị G còn sống.

11.Trong trường hợp nào huỷ bỏ quyết định tuyên bố chết? Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố được giải quyết như thế nào?

- Điều 73 Bộ luật dân sự quy định khi một người bị tuyên bố là đã chết trở về hoặc có tin tức xác thực là người đó còn sống thì theo yêu cầu của người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết.

- Quan hệ nhân thân của người bị tuyên bố là đã chết được khôi phục khi Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người đó là đã chết, trừ trường hợp sau đây:

+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;

+ Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

 12. Khi được Toà án tuyên bố ông V đã chết, những người thừa kế của ông V đã tiến hành chia thừa kế. Ông X là anh ruột được nhận một phần tài sản là ngôi nhà. Nhưng sau 3 năm ông V trở về và yêu cầu Toà án huỷ quyết định tuyên bố mình đã chết. Vậy ông V có được lấy lại được phần giá trị thừa kế ông X đã lấy không?

Tại khoản 3 Điều 73 Bộ luật dân sự quy định Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Đối chiếu với quy định nêu trên, trong trường hợp ông V trở về và yêu cầu Toà án huỷ quyết định tuyên bố mình đã chết thì ông V được lấy lại được phần giá trị thừa kế ông X đã hưởng.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       LÊ VĂN TƯ


Tác giả: Lê Văn Tư
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 28
Hôm qua : 370
Tháng 04 : 13.850
Năm 2024 : 63.809