TÌNH HUỐNG HỖ TRƠ PHÁP LY CHO DOANH NGHIỆP VỀ: LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI; LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ; NGHỊ ĐỊNH SỐ 105/2014/NĐ-CP NGÀY 15/11/2014/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT BẢO HIỂM Y TẾ
Câu 1. Vào dịp nghỉ hè rảnh rỗi, do khéo tay nên em A - 17 tuổi đã xin phép gia đình xin vào làm việc tại Xí nghiệp thuê thùa, may mặc của bà L gần nhà để kiếm tiền dành cho năm học mới. Mẹ của A đã đại diện cho em ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với bà L và được bà thông tin, yêu cầu A phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Gia đình A muốn hỏi xem A có phải là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không? Bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm những chế độ nào?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
- Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
- Cán bộ, công chức, viên chức;
- Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
- Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;
- Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.
Như vậy, theo quy định nêu trên, A thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau đây:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Câu 2. Bà C là lao động trong công ty X, đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng thời vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Sắp đến tuổi về hưu, bà C muốn hỏi xem mình có được được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội hay không? Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì có được tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội?
Trả lời
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 Luật bảo hiểm xã hội về nguyên tắc bảo hiểm xã hội thì:
Người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Như vậy, Bà C vừa có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ được hưởng chế độ hưu trí và chế độ tử tuất trên cơ sở thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đã được tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì không tính vào thời gian làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
Câu 3. Để tổ chức các hoạt động nghỉ hè cho công nhân, người lao động trong công ty, Lãnh đạo công ty X quyết định trích 10% Quỹ bảo hiểm xã hội của công ty để tổ chức các hoạt động du lịch, thăm quan cho người lao động trong công ty. Song trong công ty lại có nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng Quỹ bảo hiểm như thế là vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật bảo hiểm xã hội? Xin hỏi các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật bao gồm những hành vi nào?
Trả lời
Việc sử dụng một phần tiền trong Quỹ bảo hiểm xã hội của công ty X để tổ chức các hoạt động du lịch, thăm quan cho người lao động trong công ty đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Bảo hiểm xã hội. Theo quy định tại Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:
- Trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không đúng pháp luật.
- Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người sử dụng lao động.
- Truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin, số liệu không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Câu 4. Qua báo đài, Ông T được biết khi về hưu có thể nhận lương và trợ cấp bảo hiểm xã hội thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng. Ông rất phấn khởi. Song bà H - là vợ của ông lại cho rằng, người về hưu phải đến trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền. Xin hỏi ý kiến của ai đúng? Ai sai? Trong trường hợp ông T có công việc bận, liệu ông có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thay mình được hay không?
Trả lời
Ý kiến của ông T về việc nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng là hoàn toàn đúng. Không những thế, ông có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội thay mình là hoàn toàn phù hợp với các quy định tại Điều 18 của Luật Bảo hiểm xã hội về quyền của người lao động, bao gồm:
- Được tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
- Được cấp và quản lý sổ bảo hiểm xã hội.
- Nhận lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, theo một trong các hình thức chi trả sau:
+ Trực tiếp từ cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền;
+ Thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng;
+ Thông qua người sử dụng lao động.
- Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp sau đây:
+ Đang hưởng lương hưu;
+ Trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi;
+ Nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;
+ Đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành.
- Được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định và đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội; được thanh toán phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm xã hội.
- Uỷ quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
- Định kỳ 06 tháng được người sử dụng lao động cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội; định kỳ hằng năm được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận về việc đóng bảo hiểm xã hội; được yêu cầu người sử dụng lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
- Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Câu 5. Do hiếm muộn, lấy nhau gần 05 năm mới có con, nên gia đình chị L rất yêu chiều con. Đứa con gái 02 tuổi lại có thể trạng ốm yếu, thường xuyên lên cơn hen, bị ốm đau liên miên, nên chị L đã nghe lời chồng xin nghỉ việc một thời gian để chăm con. Mặc dù trước đó, chị đã có công việc ổn định, là công chức của Ủy ban nhân dân xã và có thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Chị muốn hỏi xem chị có đủ điều kiện hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội hay không?
Trả lời
Theo quy định của Điều 24 Luật bảo hiểm xã hội, đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng; cán bộ, công chức, viên chức; công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu…
Như vậy, chị L là công chức của Ủy ban nhân dân xã thuộc đối tượng áp dụng chế độ ốm đau nếu chị có đủ các điều kiện hưởng chế độ ốm đau được Điều 25 Luật bảo hiểm xã hội, cụ thể:
- Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự huỷ hoại sức khoẻ, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.
- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.