Góp phần giới thiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
Khu trưng bày sản phẩm OCOP và trải nghiệm các dịch vụ chuyển đổi số là một trong chuỗi các hoạt động của Ngày hội chuyển đổi số năm 2023. Đây cũng là hoạt động thu hút nhiều doanh nghiệp, người dân đến thăm quan, trải nghiệm, tạo hiệu ứng tích cực với công tác chuyển đổi số.
Trưng bày sản phẩm OCOP và trải nghiệm các dịch vụ chuyển đổi số là hoạt động mở màn và xuyên suốt trong 3 ngày hội. Tại đây có 14 gian hàng trưng bày trên 30 loại sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP 3 sao, đặc biệt có 02 gian hàng OCOP đến từ huyện M’Drắk và huyện Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk. Đây là những sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tiêu chuẩn VietGAP, đã được quảng bá mở rộng thị trường đến các địa phương cả nước. Tất cả các hoạt động mua và bán, trao đổi tại Ngày hội đều thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Theo các tiểu thương, việc thanh toán qua giao dịch tài khoản, không dùng tiền mặt là một trong những yếu tố quan trọng trong việc mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm và phù hợp với xã thế đổi mới, tiến tới xã hội hiện đại. Chị Chị Bế Thị Nga, Chủ thể sản phẩm OCOP Mắc ca Đất Phú, xã EaLy, huyện Sông Hinh, tâm đắc: “Rất là thuận lợi. Trước kia chuyển hàng đi các tỉnh xa phải nhờ nhà xe thu tiền, phức tạp, nhiều rủi ro. Nhưng giờ khách chỉ cần chuyển khoản, mình chuyển hàng. Việc mua bán rất là thuận lợi cho cả người bán và người mua”.
Ngoài ra đến với khu trưng bày, người dân, doanh nghiệp được hỗ trợ tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; nhận đăng ký cấp căn cước công dân, kích hoạt mã định danh xác thực điện tử VNeID, ứng dụng VssID, ứng dụng eTax Mobiie của Cục thuế, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn người dân đăng ký và đóng tiền BHXH tự nguyện, BHYT qua tài khoản Dịch vụ công quốc gia. Tư vấn, giới thiệu việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động và tiếp nhận đăng ký tìm việc làm, trao đổi, tư vấn, kết nối việc làm phù hợp cho người lao động có nhu cầu. Các ngân hàng thương mại, Ngân hàng CSXH mở tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt Banking, tạo mã QR để thuận tiện cho việc giao dich và nhiều tiện ích khác. Đại diện các ngân hàng, ông Nguyễn Phú Tân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Sông Hinh cho biết thêm: “Đơn vị mang đến đây rất nhiều tiện ích cho khách hàng trải nghiệm, từ việc tạo mã quyết QR, đến việc làm hỗ sơ thanh toán tiền điện, nước tự động, thanh toán tiền tàu, xe, máy bay… rất là tiện lợi và an toàn”
Phát biểu khai trương lễ trưng bày, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn nhấn mạnh: Trong thời gian qua, UBND huyện Sông Hinh đã lãnh đạo, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và chính quyền các địa phương tập trung khắc phục khó khăn về nguồn vốn, thời tiết, dịch bệnh đưa ra nhiều giải pháp đột phá trên các lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất được quan tâm; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá; cơ cấu ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu tập trung như cao su, sắn, mía; một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao ở phía Bắc và phía Nam đã được trồng thành công trên đất Sông Hinh và phát triển tốt đem lại giá trị kinh tế cao; bên cạnh đó áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đến nay có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 02 vườn mẫu nông thôn mới, phấn đầu đến cuối năm 2023 công nhận thêm 01 xã nông thôn mới và 02 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 khu dân cư kiểu mẫu và 03 vườn mẫu; có 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao như: Cam sành, cam V2, sản phẩm bưởi da xanh và sản phẩm bò một nắng, Gà ủ muối Hùng Miên, hạt Macca Thi Nga và nhiều sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn an toàn, xanh, sạch như Sầu riêng, Chôm chôm, Vải, Nhãn.. từng bước khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Những kết quả trên có được là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến địa phương, sự năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, dám nghĩ, dám làm, tư duy nhạy bén của người nông dân. Chủ tịch Đinh Ngọc Dạn nói: “Đây được xem là nhịp cầu nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng, nơi gặp gỡ giữa các nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp và nông dân để giới thiệu, để lan tỏa, để học hỏi liên kết xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường phát triển du lịch và các sản phẩm nông nghiệp, tạo tính liên kết giữa các cấp, các ngành, địa phương và cũng là điểm tham quan, mua sắm các sản phẩm OCOP chất lượng, các sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Xuyên suốt trong 3 ngày hội, trưng bày sản phẩm OCOP và trải nghiệm các dịch vụ chuyển đổi số đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân tới thăm quan, trải nghiệm, tạo hiệu ứng tích cực với công tác chuyển đổi số trên địa bàn./.
Khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt để mua hàng
Sacombank Sông Hinh hỗ trợ khách hàng mở tài khảo giao dịch