Phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng đúng đắn. Nông nghiệp của Phú Yên còn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đây là tiềm năng để phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng NTM, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Xây dựng nông thôn mới (NTM) gắn với phát triển du lịch nông thôn được xem là định hướng đúng đắn. Nông nghiệp của Phú Yên còn chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đây là tiềm năng để phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu kép trong xây dựng NTM, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, gắn với các giá trị văn hóa, cảnh quan của địa phương. Đây được coi là hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân từ hoạt động du lịch mang lại.
Bên cạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp đang triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) rất thiết thực, ý nghĩa với người nông dân và phát triển du lịch. Sản phẩm OCOP cũng chính là một phần của sản phẩm du lịch. Du lịch cần OCOP để làm phong phú, hấp dẫn sản phẩm của mình, OCOP cần du lịch để nâng cao giá trị.
Chung tay xây dựng NTM, biến các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống thành những sản phẩm du lịch, điểm đến hấp dẫn du khách là giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
ĐỒNG CHÍ TRẦN HỮU THẾ, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH UBND TỈNH: Hướng phát triển bền vững
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đến nay toàn tỉnh có 55/83 xã đạt tiêu chí NTM (chiếm 66,2%), các xã còn lại bình quân đạt 12,8 tiêu chí/ xã; hai huyện Tây Hòa, Phú Hòa được công nhận đạt chuẩn NTM. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn, miền núi tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp, nhiều chương trình phát triển nông thôn được triển khai có hiệu quả góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Điều đáng mừng là từ chương trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn mang lại các lợi ích khác, các giá trị mới, khiến việc xây dựng NTM, phát triển mô hình kinh tế mới trở thành một mốc son để người nông dân đồng lòng ra sức xây dựng quê hương mình ngày một phát triển theo con đường đó.
Cụ thể, Chương trình OCOP đã và đang mang lại hiệu quả khi gắn với sản phẩm du lịch và du lịch cũng có những chương trình, đề án góp phần phát triển nông thôn. Đây sẽ là cơ sở để phát triển theo định hướng gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch, nhất là với những địa phương có tiềm năng, thế mạnh.
Thời gian tới, chương trình tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trưng theo Chương trình OCOP; phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; tăng cường công tác bảo vệ môi trường nông thôn, cải tạo cảnh quan, phát triển các con đường hoa, mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp…
Xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch nông thôn là hướng phát triển bền vững. Ngành VH-DL và NN-PTNT cần có sự liên kết chặt chẽ khi tiển khai các chương trình để đạt được mục tiêu kép, vừa hoàn thành tiêu chí NTM vừa đưa du lịch phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, tiến tới mũi nhọn của tỉnh.
GIÁM ĐỐC SỞ VH-TT-DL PHẠM VĂN BẢY: Phát huy thế mạnh du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng
Từ năm 2015, ngành VH-DL thực hiện thí điểm đề án Phát triển du lịch cộng đồng ở làng rau Ngọc Lãng (TP Tuy Hòa), buôn Lê Diêm (huyện Sông Hinh), Hòa Ngãi (huyện Sơn Hòa). Đến nay, loại hình du lịch này từng bước khẳng định giá trị trong sự phát triển du lịch chung của tỉnh.
Phú Yên có cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng kho tàng văn hóa bản địa, tập tục và lối sống, ẩm thực phong phú. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển mạnh loại hình du lịch nông thôn, cộng đồng. Tuy vậy, thực tế hiện nay, loại hình này phát triển chưa rõ nét, còn manh mún và tự phát.
Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho người dân tham gia làm du lịch và tăng thu nhập từ du lịch, góp phần phát huy các giá trị truyền thống của địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Sở VH-TT-DL đang đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng đề án “Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đến năm 2030”.
Đề án sẽ đánh giá khái quát các điều kiện, tiềm năng du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; những thuận lợi, hạn chế, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức trong phát triển du lịch nông thôn, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Từ đó xây dựng mục tiêu, định hướng, giải pháp, tổ chức thực hiện phát triển mạnh hơn nữa loại hình du lịch có thế mạnh và tiềm năng này.
GIÁM ĐỐC SỞ NN-PTNT NGUYỄN TRỌNG TÙNG: Phát triển sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch
Thời gian gần đây, từ những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ra đời, trở thành điểm đến thu hút khách du lịch. Cùng với những thay đổi căn bản về diện mạo ở các vùng nông thôn, ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và giá trị gia tăng, có thể khai thác thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh những giá trị trong quá trình xây dựng NTM, các hoạt động sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, các sở, ngành và địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ nhằm hướng đến việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch thành sản phẩm OCOP. Định hướng đến năm 2030, Chương trình OCOP phấn đấu xây dựng thương hiệu cho khoảng 24 sản phẩm chủ lực, chuẩn hóa 57 sản phẩm, dịch vụ nông thôn hiện có, phát triển mới 25 sản phẩm; hình thành từ 3-4 làng du lịch sinh thái; có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia… Việc hướng tới đưa sản phẩm du lịch vào Chương trình OCOP gắn với xây dựng NTM là hướng đi đúng đắn, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của cộng đồng nông thônVề giải pháp, ngành Nông nghiệp tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy hoạch phát triển du lịch gắn với xây dựng NTM, phát triển các sản phẩm OCOP đa dạng, đặc trưng, đạt tiêu chuẩn; đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển du lịch; hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thu hút nguồn xã hội hóa đầu tư vào khu vực nông nghiệp gắn với dịch vụ, bảo vệ môi trường nông thôn.
GIÁM ĐỐC CÔNG TY DU HÀNH ĐẠI HỮU (PHÚ YÊN SMILE) ĐÀM ĐẠI HỮU: Du lịch nông thôn trở thành sản phẩm chiến lược
Cách đây vài năm, tôi về thăm quê Phú Yên, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, đặc biệt là du lịch phát triển nhộn nhịp, tôi quyết định mở thêm Công ty Du hành Đại Hữu (Phú Yên Smile), với định hướng phát triển khách nội địa, chủ yếu là đưa khách các tỉnh phía Bắc và TP Hồ Chí Minh về xứ sở hoa vàng cỏ xanh.
Bên cạnh thế mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, theo tôi du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng cũng là sản phẩm tiềm năng của Phú Yên. Bởi Phú Yên là địa phương thuần nông, giá trị văn hóa truyền thống từ các vùng miền nông thôn là vô cùng quý để phát triển du lịch. Vấn đề là chúng ta cần đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị đó gắn với phát triển du lịch, trở thành sản phẩm du lịch.
Cùng với đó là xây dựng và nâng cao giá trị những sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề trở thành một sản phẩm của du lịch. Những làng chài ven biển, những làng chuyên canh rau, chuyên canh hoa, làng nghề truyền thống, làng văn hóa các đồng bào dân tộc… đều có thể trở thành điểm đến thu hút khách du lịch nếu được đầu tư xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch.
TRẦN QUỚI