Bộ trưởng Bộ Y tế: Các địa phương phải nâng cao hơn 1 mức, nhanh hơn 1 mức trong phòng chống dịch
“Các địa phương phải nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn. Phải song song vừa lấy mẫu, vừa khoanh vùng, vừa truy vết. Nếu không truy vết được phải thực hiện giãn cách xã hội”- GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo điều này tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 2/2.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế, phát biểu chỉ đạo cuộc họp tại điểm cầu Hà Nội Ảnh Trần Minh
Tại cuộc họp trực tuyến với các điểm cầu có dịch COVID-19, riêng tại 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh, việc kết nối được tiến hành đến tận các trung tâm y tế tuyến huyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long liên tục nhấn mạnh, dịch COVID-19 đang diễn ra tại nhiều địa phương đã khác so với trước đây, chủng mới lây lan nhanh hơn 70%; Trong khi có đến 70-80% bệnh nhân không có triệu chứng cho nên sẽ dễ bị bỏ qua trong các công đoạn rà soát nên phải thay đổi phương thức.
Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phải thay đổi chiến thuật và nâng cao hơn 1 mức, nhanh hơn một mức trong phòng chống dịch. “Các địa phương phải hết sức lưu ý vấn đề này”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, nếu số lượng F1 vài trăm ca có thể truy vết được nhưng nếu lên tới 1.000 ca không thể truy vết được, mà có thể bỏ qua các mấu chốt về dịch tễ.
Trong 10 tỉnh đang có dịch, Bộ trưởng bày tỏ lo ngại tình hình tại Gia Lai và Bình Dương.
Trong bối cảnh dịch lan rộng như hiện nay, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh có dịch cần nâng cao năng suất xét nghiệm, cần ưu tiên xét nghiệm F1 trước. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa cho các địa phương.
“Bài học thành công của Đà Nẵng chính là công suất xét nghiệm. Truy vết, lấy mẫu xét nghiệm nhanh nhưng xét nghiệm cũng phải đáp ứng được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng yêu cầu các tỉnh rà soát lại các điểm nguy cơ, mở rộng xét nghiệm tại các các khoa phòng bệnh viện như khu vực phòng khám, khoa hô hấp, cấp cứu, tai mũi họng… tránh trường hợp bệnh nhân khi vào viện có thể chỉ viêm, đau họng thông thường.
Với người dân, Bộ trưởng khuyến cáo hạn chế tối đa sự kiện tập trung đông người, cài ứng dụng để phục vụ truy vết, đặc biệt chú ý đeo khẩu trang. Vừa qua, công nhân tại công ty Poyun ở Chí Linh, Hải Dương khi vào sản xuất không đeo khẩu trang nên lây nhiễm nhanh, phát hiện một lúc rất nhiều trường hợp.
Bộ Y tế điều động nhiều đơn vị chủ lực hỗ trợ toàn diện cho Gia Lai chống dịch
Ông Mai Xuân Hải- Giám đốc Sở Y tế Gia Lai báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo của ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho thấy, chỉ riêng ngày hôm nay tỉnh đã ghi nhận thêm 7 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 13 trường hợp trong 3 ngày. Toàn tỉnh đã truy vết được 303 trường hợp F1, 634 F2.
Bước đầu lấy mẫu được 6.500 trường hợp song công suất xét nghiệm của tỉnh đang rất thấp, chỉ 200 mẫu/ngày nên phải nhờ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ xét nghiệm thêm 500 mẫu/ngày.
Do 1 ca bệnh từng đến BVĐK tỉnh Gia Lai khám bệnh, tỉnh đã ra quyết định phong toả bệnh viện từ trưa nay, trong ngày mai sẽ lấy mẫu toàn bộ 300 nhân viên y tế, 1.200 bệnh nhân và người nhà để xét nghiệm.
Số lượng mẫu phải xét nghiệm tăng lên từng ngày, Sở Y tế Gia Lai tính phương án chuyển mẫu đến Viện Pasteur Nha Trang và Viện Sốt rét Ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn để hỗ trợ xét nghiệm.
Từ đầu cầu Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Gia Lai phải tính đến thực hiện xét nghiệm tại chỗ, Bộ Y tế sẽ điều động Viện Pasteur TP HCM ngay lập tức đưa nhân lực, máy móc lên Gia Lai thiết lập 1 labo xét nghiệm, hỗ trợ địa phương.
Ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết thêm, đội truy vết của tỉnh hiện có 200 người, mỗi ngày truy vết tối đa được 300-400 trường hợp F1, song ông Chiến cho biết việc điều tra dịch tễ đang gặp rất nhiều khó khăn. 13 ca bệnh tập trung tại 4 huyện miền múi, đi lại khó khăn nên không thể làm nhanh.
“Lần này hành động phải nhanh, nếu gửi mẫu về TP. HCM thì quá trễ. Nếu đợi thêm 1-2 ngày lại có thêm ca khác khi đó chật vật chạy theo. Vừa rồi dịch ở Hải Dương ban đầu phải gửi mẫu về Hà Nội xét nghiệm, rất mất thời gian”-Bộ trưởng nói.
Sau khi nghe các báo cáo của Gia Lai, ngay lập tức Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long điều động ngay các lực lượng tinh nhuệ của Bộ Y tế đến hỗ trợ Gia Lai toàn diện Ảnh. Trần Minh
Theo Bộ trưởng, chủng COVID-19 mới lây qua không khí nên khả năng lây nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, đồng bào Tây Nguyên lại có thói quen sinh hoạt chung với nhau nên phải gấp rút triển khai nhiều giải pháp để giảm lây nhiễm.
Về quyết định đóng cửa toàn bộ BVĐK tỉnh Gia Lai, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai cho rằng cần xem xét lại vì đây là nơi cứu chữa, điều trị tất cả bệnh nhân trong khu vực. Nếu đóng cửa toàn bộ sẽ là thảm hoạ.
Giám đốc BV Bạch Mai đề nghị chỉ cách ly những nhân viên tại khoa bệnh nhân đã đi qua, sau đó đóng cửa làm sạch bệnh viện và sớm mở cửa trở lại càng nhanh càng tốt. Đồng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo không cần phong toả cả bệnh viện, trừ trường hợp xuất hiện lây chéo trong bệnh viện. Yêu cầu cách ly tập trung ngay các y bác sĩ có tiếp xúc với bệnh nhân, xét nghiệm; cùng đó, giải phóng, làm sạch bệnh viện như Đà Nẵng đã làm, để đưa bệnh viện hoạt động trở lại.
Cùng đó, xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân. Trong ngày mai, sẽ có một lãnh đạo Bộ Y tế cùng đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai vào Gia Lai trực tiếp chỉ đạo về công tác phòng dịch.
Bộ trưởng đề nghị Gia Lai phải chuẩn bị ngay phương án điều trị tại chỗ, thành lập một bệnh viện dã chiến quy mô 200 giườnh, đưa tất cả bệnh nhân dương tính về đó điều trị. Bộ Y tế cũng điều đội truy vết có kinh nghiệm của Đà Nẵng, BV Chợ Rẫy, BV Bạch Mai “chi viện” cho Gia Lai về công tác truy vết, cách ly, điều trị.
Bộ trưởng giao Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên "cắm chốt" tại Gia Lai, làm sao truy vết, xét nghiệm thật nhanh.
Các địa phương không được phép lơ là, chủ quan trong chống dịch
Với 4 ca dương tính, tỉnh Bình Dương cũng xác định là điểm nóng, tình hình phức tạp. Trong đó ca bệnh là sinh viên (BN1843) rất phức tạp, Thủ Dầu Một là một trường đại học lớn, với trên 10.000 sinh viên, các em sinh viên năm thứ nhất học tín chỉ không biết nhau nhiều. Vì thế việc truy vết rất khó. Đến chiều 2/2, trong số các F1 của BN1801 tiếp tục có 2 ca dương tính.
Dù đã truy vết thần tốc, cách ly rộng, nâng mức cảnh báo lên một cấp, phong tỏa, giãn cách một số nơi tuy nhiên tỉnh dự đoán tình hình dịch tại Bình Dương rất phức tạp. Hiện tỉnh chưa được xét nghiệm khẳng định mà phải gửi mẫu lên Viện Pasteru TP HCM.
Báo cáo của điểm cầu Bình Dương mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ về con người, trang thiết bị. Ảnh Trần Minh
Về điều trị, tỉnh đã chuẩn bị bệnh viện dã chiến vài trăm giường, tuy nhiên nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, có ca nặng thì tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ về con người, trang thiết bị.
Ngay lập tức, Bộ trưởng Y tế chỉ đạo Viện trưởng Viện Pasteur TP. HCM đánh giá năng lực xét nghiệm của CDC Bình Dương, nếu đủ điều kiện có thể cho xét nghiệm khẳng định ngay, không cần báo cáo về Bộ.
Về điều trị, tỉnh đã chuẩn bị bệnh viện dã chiến 400-500 giường, tuy nhiên nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, có ca nặng, tỉnh mong muốn Bộ Y tế hỗ trợ về con người, trang thiết bị.
Theo Bộ trưởng, dù ca nhiễm còn ít nhưng bài học từ Hải Dương là cần hình thành ngay cơ sở điều trị, thành lập các bệnh viện dã chiến.
“Bộ Y tế nhấn mạnh với các địa phương nhất là các tỉnh chưa có dịch vẫn còn luống cuống, giờ không được phép lơ là, chủ quan vì lây nhiễm đã hoàn toàn khác. Các tỉnh không được dùng các biện pháp cũ như trước, phải dùng biện pháp mới nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Thái Bình