• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

TÌNH HUỐNG PHÁP LUẬT VỀ MA TÚY

HỎI ĐÁP TÌNH HUỐNG PHÁP

LUẬT VỀ MA TÚY

 

Tình huống1: Cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm gì trong phòng, chống ma túy?

Theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 11 và Điều 12 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng chống ma túy như sau:

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, cung cấp nhanh chóng các thông tin về tệ nạn ma tuý cho cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết kịp thời những thông tin, tố giác về tệ nạn ma tuý.

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phát hiện, báo cáo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc trồng cây có chứa chất ma tuý; tham gia triệt phá cây có chứa chất ma tuý do chính quyền địa phương tổ chức.

- Tại các vùng phải xoá bỏ cây có chứa chất ma tuý, các cơ quan nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma tuý; quy hoạch cơ cấu nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và thị trường phù hợp để nhân dân chuyển hướng sản xuất có hiệu quả.

- Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức phòng, chống ma tuý ở cơ quan, đơn vị mình; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia tệ nạn ma tuý; tuyên truyền, động viên cán bộ, công chức và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tệ nạn ma tuý.

- Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân tổ chức tuyên truyền, giáo dục để nhân dân nhận thức rõ về tác hại của ma tuý; chủ trương, chính sách, pháp luật, biện pháp của Nhà nước về phòng, chống ma tuý 

Tình huống2: Tệ nạn ma túy trong học đường đang là vấn đề quan tâm, lo lắng của xã hội, nhất là các phụ huynh học sinh. Xin hỏi nhà trường và các cơ sở giáo dục khác có trách nhiệm gì trong việc phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên?

Để phòng ngừa và loại bỏ tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên, Điều 10 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định trách nhiệm của nhà trường và các cơ sở giáo dục khác như sau:

- Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý;

- Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý;

- Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý. 

Tình huống3: Con trai tôi bị một số bạn xấu rủ rê sử dụng ma túy, do phát hiện kịp thời nên cháu chưa bị nghiện. Để phòng tránh cho cháu bị bạn xấu lôi kéo, tôi đã có một số biện pháp cần thiết để bảo vệ cháu, đồng thời tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy… Vậy, tôi xin hỏi, Luật Phòng, chống ma túy có quy định gì về quyền của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức khi tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy không?

Điều 14 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 quy định như sau:

- Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia các hoạt động phòng, chống ma túy được Nhà nước bảo vệ và giữ bí mật.

- Cơ quan công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, viện kiểm sát, tòa án và chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định này.

- Trường hợp cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức do tham gia phòng, chống ma túy mà bị thiệt hại về tài sản thì được Nhà nước đền bù; trường hợp cá nhân bị thương tích, tổn hại về sức khỏe hoặc bị thiệt hại về tính mạng thì bản thân hoặc gia đình được hưởng chế độ, chính sách đặc biệt theo quy định của Chính phủ. 

Tình huống4: Tôi xin hỏi, Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi năm 2008 quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành các hoạt động gì để phòng, chống ma túy hiện nay?

Điều 13 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy năm 2008 quy định:

1. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được tiến hành các hoạt động sau đây:

a. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan thực hiện các hoạt động ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy;

b. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trinh sát cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;

c. Trưng cầu giám định mẫu vật, mẫu phẩm sinh học cần thiết để phát hiện tội phạm về ma túy;

d. Yêu cầu cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, tình hình tài chính và tài khoản tại ngân hàng khi có căn cứ cho rằng có hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 8 Điều 3 của Luật này (Trồng cây có chứa chất ma túy; Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, mua bán, phân phối, giám định, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, nghiên cứu trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần; Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xúi giục, cưỡng bức, lôi kéo, chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy; Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất, sử dụng trái phép chất ma túy; Hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội về ma túy mà có; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy)

đ. Yêu cầu cơ quan bưu điện mở bưu kiện, bưu phẩm để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm đó có chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần;

e. Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố giác, người làm chứng và người bị hại trong các vụ án về ma túy.

2. Cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thực hiện quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều này theo yêu cầu của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy.

3. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan công an, các cơ quan hữu quan khác thực hiện và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần tại khu vực hoặc địa bàn quản lý, kiểm soát.

4. Chính phủ quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy trong việc thực hiện, phối hợp thực hiện các hoạt động quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều này. 

Tình huống5: Theo pháp luật hiện hành, trách nhiệm của người nghiện ma tuý thực hiện các hình thức cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại gia đình được quy định như thế nào?

Theo Điều 26 Luật Phòng chống ma túy và Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 9/9/2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma tuý tại cộng đồng thì người nghiện ma túy thực hiện cai nghiện tại cộng đồng và cai nghiện tại gia đình có trách nhiệm sau:

- Tự khai báo về tình trạng nghiện ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi cư trú và tự đăng ký hình thức cai nghiện ma túy;

- Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của nhà nước, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, quy ước của thôn, làng, ấp, bản, đơn vị dân cư nơi mình cư trú;

- Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về chuyên môn, kế hoạch cai nghiện cá nhân;

- Hàng tháng phải báo cáo với người được phân công trực tiếp giúp đỡ về tình hình điều trị, cai nghiện, kết quả và sự tiến bộ của mình;

- Phải có mặt khi Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu; nếu vắng mặt mà không có lý do chính đáng, thì Ủy ban nhân dân cấp xã triệu tập đến trụ sở Ủy ban nhân dân yêu cầu làm kiểm điểm về hành vi vi phạm đó;

- Đóng góp chi phí cai nghiện theo quy định.

- Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về cai nghiện ma túy.

Tình huống6: Đầu năm 2013, mẹ tôi đã rất đau khổ và suy sụp khi bắt quả tang anh trai tôi đang hút heroin trong phòng. Sau nhiều lần họp bàn, vì sợ mất uy tín đối với cơ quan, mất thể diện với bạn bè, hàng xóm nên cha mẹ tôi quyết định mua thuốc về tự cai cho anh mà không cho người ngoài biết. Xin hỏi việc cha mẹ tôi giấu kín, không báo với chính quyền địa phương chuyện anh tôi nghiện ma túy có vi phạm pháp luật không? Trách nhiệm của gia đình người cai nghiện ma túy được pháp luật quy định như thế nào?

Điều 26 Luật Phòng chống ma túy và Nghị định số 94/2010/NĐ-CP quy định gia đình người cai nghiện ma túy có trách nhiệm sau:

- Khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã về người nghiện ma túy trong gia đình mình và đăng ký hình thức cai nghiện cho người đó;

- Động viên, giúp đỡ và quản lý người nghiện ma túy cai nghiện tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo sự hướng dẫn, giám sát của cán bộ y tế và Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Chăm sóc, quản lý, theo dõi, giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn người cai nghiện ma túy sử dụng trái phép chất ma túy hoặc có hành vi gây mất trật, an toàn xã hội;

- Hỗ trợ cơ quan có thẩm quyền đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện và đóng góp kinh phí cai nghiện theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Tổ công tác, cán bộ Tổ công tác được phân công giúp đỡ người cai nghiện trong việc hỗ trợ, giúp đỡ người cai nghiện ma túy thực hiện kế hoạch cai nghiện, xóa bỏ mặc cảm, quyết tâm cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng.

Đối chiếu với quy định trên thì việc cha mẹ bạn khi phát hiện ra anh trai bạn nghiện ma túy mà không báo cho chính quyền địa phương là vi phạm pháp luật. Cha mẹ bạn hãy bình tĩnh và sáng suốt giải quyết vấn đề, đừng quá đau khổ, đừng vì sợ mất thể diện mà không dám báo cho cơ quan chức năng. Cha mẹ bạn nên hiểu rằng phải có phác đồ điều trị đối với từng trường hợp nghiện khác nhau và cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ thì công tác cai nghiện mới có hiệu quả. Vì vậy khi phát hiện tình trạng nghiện của anh bạn, gia đình bạn nên kiên quyết lựa chọn và áp dụng hình thức cai nghiện thích hợp, đồng thời thực hiện việc quản lý chặt chẽ sau cai nghiện. Đó là biện pháp tốt nhất cứu anh trai bạn thoát khỏi thảm họa ma tuý. 

Tình huống7: Khi biết được A cậu con trai duy nhất đang là sinh viên năm thứ hai đại học, vốn ngoan ngoãn, học giỏi, do bạn bè lôi kéo, đã dính vào ma túy được hơn nửa năm rồi. Bà B là mẹ của A rất đau khổ. Bà đã xin nghỉ làm, về hưu trước thời hạn, vận động con quyết tâm lên kế hoạch, tự giác cai nghiện ma túy tại gia đình. Bà B muốn hỏi xem đối tượng cai nghiện tại gia đình gồm những ai? Độ tuổi, thời hạn cai nghiện ma tuý tại gia đình được pháp luật quy định như thế nào?

Theo Điều 8 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09/9/2010 quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 94), đối tượng cai nghiện tại gia đình là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình.

Về độ tuổi và thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình được quy định như sau:

- Hình thức cai nghiện ma túy tại gia đình áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ mười hai tuổi trở lên.

- Thời hạn cai nghiện ma tuý tại gia đình từ sáu tháng đến mười hai tháng, tính từ ngày ký quyết định cai nghiện tại gia đình, quyết định cai nghiện tự nguyện, cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng. 

Tình huống8: Gia đình C rất đau lòng và lo lắng khi phát hiện ra C đã nghiện ma tuý. Qua báo đài, gia đình C biết được có thể thực hiện cai nghiện ma tuý cho C tại gia đình. Xin hỏi muốn được cai nghiện ma túy tại gia đình thì C và gia đình C cần đăng ký như thế nào?

Việc đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình được quy định tại Điều 9 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP:

- Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú.

Tổ công tác giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình.

- Hồ sơ đăng ký gồm:

a) Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: tình trạng nghiện ma tuý; các hình thức cai nghiện ma túy đã tham gia; tình trạng sức khỏe; cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình;

b) Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy;

c) Kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện ma túy.

Tình huống9: Sau khi nộp hồ sơ cho con trai tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, gia đình C thắc mắc muốn được biết cơ quan nào có trách nhiệm xem xét áp dụng cai nghiện ma túy tại gia đình cho C?

Theo Điều 10 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, việc xem xét áp dụng cai nghiện ma túy tại gia đình được quy định như sau:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình theo quy định pháp luật (Xem phần trên), Tổ công tác cai nghiện ma túy có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ và làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định quản lý cai nghiện tự nguyện tại gia đình.

- Quyết định quản lý tự nguyện cai nghiện tại gia đình phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người cai nghiện; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn áp dụng, ngày thi hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình được giao quản lý, giúp đỡ người cai nghiện.

- Quyết định quản lý cai nghiện tự nguyện tại gia đình được gửi cho cá nhân và gia đình người cai nghiện, Tổ trưởng Tổ công tác và Tổ trưởng Tổ dân cư nơi người nghiện ma túy cư trú. 

Tình huống10: H nghiện ma túy được gần 2 năm. Thời gian gần đây, được sự quan tâm, vận động của gia đình, H quyết tâm cai nghiện ma túy để làm lại cuộc đời. Song do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình, H muốn đăng ký tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng. Xin hỏi H có thuộc đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng hay không?

Trường hợp của H thuộc đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, theo đúng quy định tại Điều 12 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP:

Đối tượng tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng là người nghiện ma túy đang cư trú tại cộng đồng tự nguyện đăng ký cai nghiện nhưng không có điều kiện điều trị cắt cơn tại gia đình.

Người nghiện ma túy hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy chưa thành niên có trách nhiệm tự giác khai báo và đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tình huống11: Xin cho biết hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng gồm những nội dung gì? Việc xem xét quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng gồm:

- Đơn đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng của bản thân hoặc gia đình, người giám hộ của người nghiện ma túy. Đơn phải bao gồm các nội dung: tình trạng nghiện ma tuý; các hình thức cai nghiện ma túy đã tham gia; tình trạng sức khỏe; cam kết tự nguyện cai nghiện ma túy tại cộng đồng;

- Bản sơ yếu lý lịch của người nghiện ma túy.

Tổ công tác cai nghiện có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng.

Việc xem xét quyết định cai nghiện ma túy tự nguyện tại cộng đồng được quy định như sau:

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được Hồ sơ đăng ký tự nguyện cai nghiện tại cộng đồng, Tổ công tác có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, lập danh sách đối tượng tự nguyện cai nghiện và làm văn bản trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

- Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.

- Quyết định cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người cai nghiện; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn áp dụng, ngày thi hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình được giao quản lý, giúp đỡ người cai nghiện. 

Tình huống12: Anh Minh (20 tuổi) nghiện ma túy và đã bị UBND cấp xã áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn. Tuy nhiên do anh không tự nguyện cai nghiện nên chính quyền tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng đối với anh. Cho rằng mình phải thực hiện nhiều quyết định hành chính cùng một lúc nên anh đã kiến nghị lên UBND cấp xã. Xin cho biết: việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng đối với anh Minh có đúng không?

Theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP thì: đối tượng bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng là người nghiện ma túy cư trú tại cộng đồng nhưng không tự giác khai báo và không tự nguyện đăng ký cai nghiện tại gia đình hoặc cộng đồng.

Tuy nhiên, không áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng đối với các trường hợp sau:

- Người nghiện ma túy đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (được thay thế bằng Luật Xử lý vi phạm hành chính);

- Người nghiện ma túy thuộc diện bị đưa vào cơ sở chữa bệnh, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính;

- Người nghiện ma túy đang bị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, tại Trung tâm quản lý sau cai nghiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, do anh Minh đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nên không thể đồng thời bị áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Tình huống13: Ai là người có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng? Văn bản quyết định phải có những nội dung gì?

Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP thì trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ tên, chức vụ của người ra quyết định; họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người cai nghiện; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng, thời hạn áp dụng, ngày thi hành quyết định; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình được giao quản lý, giúp đỡ; quyền khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng theo quy định của pháp luật.

Quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng có hiệu lực kể từ ngày ký. Người phải chấp hành quyết định nếu không tự giác chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành. Quyết định cai nghiện tại cộng đồng được gửi cho cá nhân và gia đình, người giám hộ của người cai nghiện, Tổ trưởng Tổ công tác và Tổ trưởng Tổ dân cư nơi người nghiện ma túy cư trú để quản lý, giúp đỡ người cai nghiện.

Tình huống14: Chị H bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng, tuy nhiên, chị hiện đang có thai ở tháng thứ 3. Xin hỏi: chị có thể được hoãn việc cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hay không?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP thì các trường hợp sau đây được hoãn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng:

- Đang ốm nặng có chứng nhận của bệnh viện từ tuyến huyện trở lên;

- Phụ nữ đang có thai có chứng nhận của bệnh viện từ tuyến huyện trở lên hoặc phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới ba mươi sáu tháng tuổi.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào quyết định của cơ sở y tế về thời gian điều trị, thời gian nuôi con nhỏ để quyết định thời hạn hoãn chấp hành quyết định. Khi hết thời hạn hoãn chấp hành ghi trong quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú thì các đối tượng trên phải tiếp tục thi hành quyết định. Trường hợp không tự nguyện chấp hành thì bị cưỡng chế thi hành theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (được thay thế bằng Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Như vậy, theo quy định của pháp luật, chị H có thể được hoãn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng.

Tình huống15: Trong trường hợp nào thì người cai nghiện được miễn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng? Thủ tục miễn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP thì các trường hợp sau đây được miễn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng:

- Đang mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở y tế cấp huyện trở lên;

- Trong thời gian hoãn chấp hành quyết định mà người đó tự nguyện cai nghiện, không còn sử dụng ma túy có Giấy xác nhận đã hoàn thành thời gian tự nguyện cai nghiện.

Thủ tục miễn thi hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng như sau:

- Người phải chấp hành quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng phải làm đơn đề nghị hoãn, miễn (kèm theo các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng hoãn, miễn, tự nguyện cai nghiện) gửi Tổ trưởng Tổ công tác;

- Trong thời hạn hai ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, thẩm tra và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

- Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Tổ trưởng Tổ công tác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải xem xét, quyết định việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định. 

Tình huống16: Qua rỉ tai của hàng xóm, bác T biết được ở trên vùng núi K có một ông thầy lang có bài thuốc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy rất tài tình. Nhiều người đã cai nghiện thành công tại nhà thầy lang này. Bác T phân vân không biết có nên đưa cậu con trai đang tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, đến nhà thầy lang này để tiến hành điều trị cắt cơn, giải độc hay không? Theo ý kiến của con gái bác thì việc điều trợ cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy phải do y, bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và được Sở Y tế cấp tỉnh cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành. Xin hỏi, ý kiến của con gái bác T có đúng hay không?

Việc điều trị cắt cơn, giải độc đối việc người cai nghiện ma túy được quy định tại Điều 23 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định sử dụng cơ sở vật chất hiện có tại địa phương để tổ chức điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng.

Đối với những xã có số đối tượng nghiện ít, không cần thiết hoặc không có điều kiện thành lập Cơ sở điều trị cắt cơn riêng biệt, thì liên kết với các xã khác hoặc kết hợp với Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, các cơ sở khác được phép điều trị cắt cơn trong khu vực để tổ chức điều trị cắt cơn cho người nghiện ma túy.

Trường hợp không có cơ sở vật chất để tổ chức Cơ sở điều trị cắt cơn thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định xây dựng Cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy phù hợp với nhu cầu, khả năng của địa phương.

- Cơ sở điều trị cắt cơn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

- Việc điều trị cắt cơn, giải độc cho người nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng phải do y, bác sĩ được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy và được Sở Y tế cấp tỉnh cấp chứng chỉ; áp dụng đúng bài thuốc, phác đồ điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy do Bộ Y tế ban hành.

- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở điều trị cắt cơn; hướng dẫn thực hiện công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong cơ sở điều trị cắt cơn.

Như vậy, ý kiến của con gái bác T là hoàn toàn chính xác. 

Tình huống17: Qua báo đài, tôi được biết đối với người cai nghiện ma túy, việc giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách đóng vai trò rất quan trọng, là động lực thúc đẩy giúp đỡ họ cai nghiện thành công. Tôi muốn biết việc giáo dục, phục hồi hành vi và nhân cách cho người cai nghiện ma túy được pháp luật quy định như thế nào?

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 94/2010/NĐ-CP, việc giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách cho người cai nghiện được quy định như sau:

- Trong thời gian cai nghiện, Tổ công tác có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện liệu pháp tâm lý tập thể, liệu pháp tâm lý nhóm; tổ chức học tập về pháp luật, đạo đức, tác phong, lối sống lành mạnh, có trách nhiệm, tự tin nhằm phục hồi toàn diện về nhân cách, sức khỏe, tâm lý cho người cai nghiện;

b) Tổ chức hoạt động tư vấn, giúp đỡ người nghiện ma túy sửa đổi hành vi, nhân cách; từng bước từ bỏ ma túy; phòng, chống tái nghiện; giúp họ định hướng đúng trong tương lai;

c) Tổ chức cho người cai nghiện tham gia các hoạt động lao động trị liệu nhằm giúp họ hiểu được giá trị của lao động; tổ chức các hoạt động thể thao, giải trí.

- Hoạt động giáo dục, phục hồi hành vi, nhân cách và lao động trị liệu phải được thực hiện xen kẽ trong suốt thời gian cai nghiện.

Tình huống18: Ông X là Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã T cho rằng: cần phải tăng cường dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện bởi theo thống kê, khoảng 70% người nghiện ma túy trước đó không có việc làm. Vì vậy, để giúp người cai nghiện ma túy nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng và không tái nghiện, cách tốt nhất vẫn là tạo cho họ việc làm và có thu nhập ổn định. Do vậy, ông là Chủ tịch Ủy ban nhân xã sẽ tích cực phối hợp với các cơ sở dạy nghề trong xã tổ chức dạy nghề tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện trong xã. Xin hỏi ý kiến của ông X có chính xác hay không? Pháp luật quy định như thế nào về việc dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện?

Ý kiến của ông X hoàn toàn phù hợp với các quy định pháp luật hiện nay. Việc triển khai chính sách hỗ trợ học nghề và tạo việc làm không chỉ nhằm giúp người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, mà còn định hướng, tạo cách nhìn mới của cộng đồng với người nghiện ma túy. Theo Điều 26 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP, việc dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện được quy định như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với các cơ sở dạy nghề của địa phương để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện.

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cấp xã theo điều kiện, khả năng của doanh nghiệp có trách nhiệm tiếp nhận người cai nghiện ma túy để tổ chức truyền nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho người cai nghiện. 

Tình huống19: Anh T là người cai nghiện ma túy tại gia đình đã quyết tâm và cai nghiện thành công những cơn thèm thuốc vật vã trước đây. Hiện tại anh muốn trở lại cuộc sống bình thường, sớm ổn định cuộc sống. Liệu anh có được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng để kiếm việc, đi làm hay không? Việc đánh giá kết quả cai nghiện ma túy được pháp luật quy định như thế nào?

Việc đánh giá kết quả cai nghiện tại gia đình, cộng đồng được quy định tại Điều 27 Nghị định số 94/2010/NĐ-CP:

- Trong thời gian cai nghiện theo quyết định, Tổ công tác tổ chức xét nghiệm chất ma túy đột xuất hoặc định kỳ; phối hợp với Tổ trưởng Tổ dân cư và gia đình, người giám hộ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch cai nghiện.

Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, quá trình theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch cai nghiện cá nhân của người nghiện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp "Giấy Chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng".

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an hướng dẫn đánh giá kết quả cai nghiện và cấp Giấy Chứng nhận hoàn thành thời gian cai nghiện ma tuý tại gia đình, cộng đồng.

 

 


Tác giả: Lê Văn Tư
Nguồn:Ban biên tập Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 3.394
Hôm qua : 400
Tháng 04 : 13.427
Năm 2024 : 63.386