Xóa nhà ở tạm: Động lực thoát nghèo bền vững cho hộ nghèo
Xóa nhà ở tạm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, qua đó giúp các thành viên trong hộ gia đình ổn định sức khỏe, yên tâm lao động, sản xuất, từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với sự tích cực của Mặt trận và các cấp chính quyền, nhiều hộ nghèo đã có nhà ở kiên cố, tuy nhiên thực tế vẫn còn có nhiều hộ rất khó khăn về nhà ở cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tú, tại thôn Ea Din, xã Ea Bar là hộ nghèo đặc biệt khó khăn về nhà ở. Dịp kỷ niệm 92 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm nay, niềm vui như được nhân đôi với gia đình bởi ngôi nhà mới khang trang được khánh thành đưa vảo sử dụng.
Những năm qua, ông Tú miệt mài lao động, vừa làm nương rẫy, vừa kiếm việc làm thuê để tăng thu nhập, nhưng do sức khỏe của vợ không tốt, 02 con còn nhỏ phải chăm sóc hàng ngày nên cuộc sống gia đình không ít khó khăn, lo lắng nhất là ngôi nhà nhỏ 04 người ở đã xuống cấp trầm trọng. Thấu hiểu hoàn cảnh, đầu năm 2022 này, gia đình được Quỹ “Vì người nghèo” huyện Sông Hinh đưa vào danh sách xóa nhà tạm với số tiền hỗ trợ là 40 triệu, cùng với tự lực của gia đình, bà con họ hàng giúp đỡ, ông Tú đã mạnh dạn khởi công làm ngôi nhà cấp 4 rộng 5 mét, dài 11 mét, tổng diện tích 55 mét vuông. Nhà được xây kiên cố với nền lát gạch men; móng, tường xây vữa xi măng, mái lợp tôn chống nóng. Ông Tú phấn khởi chia sẻ: “Bây giờ tôi đã yên tâm làm ăn rồi. Có nhà mới giúp vợ, con tôi bớt ốm đau hơn. Tôi rất cám ơn các cấp chính quyền đã giúp đỡ cho gia đình tôi”.
Cùng hoàn cảnh, hộ gia đình ông bà Bùi Rót, thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh là trường hợp hộ nghèo khó khăn. Làm việc quá sức đã khiến ông Bùi Rót bị tai biến không còn khả năng lao động. Gánh nặng đổ dồn vào vai người vợ. không kể mưa nắng, xa gần, quần quật làm thuê kiếm tiền nhưng cũng chỉ vừa tạm đủ tiền mua gạo và thuốc thang chữa bệnh. Vất vả là vậy nhưng lo lắng nhất vẫn là ngôi nhà vách gỗ đã xuống cấp, không còn khả năng chống trọi với mưa gió. Sâu sát cơ sở, Ủy ban Mặt trận xã Đức Bình Đông và Mặt trận huyện Sông Hinh đã kịp thời đến động viên, làm hồ sơ đưa vào danh sách xóa nhà tạm. Với số tiền 40 triệu đồng từ nguồn quỹ “Vì người nghèo” của huyện, cùng sự giúp đỡ của họ hàng, bà con xóm làng, chỉ sau thời gian ngắn, ngôi nhà kiên cố tường xây, nền gạch men đã được khánh thành đưa vào sử dụng. Cơn mơn mưa tầm tã những ngày qua càng khiến 07 người của gia đình ông bà Bùi Rót yên tâm hơn trong ngôi nhà mới của mình. Bà Bùi Rót bày tỏ: “Phấn khởi lắm, trước kia mỗi lần mưa gió là nhà cửa ướt hết, vất vả nhưng kinh tế khó khăn, làm hàng ngày cũng chỉ đủ nuôi gia đình, Nhà nước không hỗ trợ thì chẳng biết khi nào mới làm được nhà. Có nhà rồi, tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế, dành dụm tiền để lo lúc trái gió, trở trời, ốm đau bệnh tật”.
Niềm vui lan tỏa đến người nghèo vùng dân tộc thiểu số. Điển hình như hộ bà Nay Hờ Koi ở buôn Ken, xã Ea Bá, bệnh tật, sức khỏe yếu đã ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế. Vì vậy dù đã gần 70 tuổi nhưng bà và gia đình 03 thế hệ vẫn ở trong ngôi nhà tạm xiêu vẹo. Cuộc sống đã đổi thay, ngôi nhà sàn truyền thống mơ ước bao năm đã thành hiện thực nhờ sự hỗ trợ của Công ty Xăng dầu Phú Khánh và những người xóm làng. Bà Hờ Cót, hàng xóm của gia đình Hờ Koi hổ hởi cho biết: “Hờ Khoi có nhà xóm làng ai cũng mừng, nhà cũ đã xuống cấp lắm rồi, Hờ Koi cũng rất phấn khởi lắm”.
Giúp hộ nghèo, khó khăn có nhà ở cũng được chính quyền các địa phương quan tâm, điển hình như ở xã Ea Ly. Tính riêng trong năm 2022, chính quyền xã đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ xóa được 5 nhà tạm. Bà Trương Thị Thu Hà, Bí thư Đảng ủy xã Ea Ly cho biết, đây đều là những hộ nghèo, nhà ở đều là tạm bợ, xuống cấp ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, làm giảm khả năng lao động khiến cuộc sống càng khó khăn hơn. “Qua khảo sát, hiện còn 04 hộ gia đình nữa cũng đang rất khó khăn về nhà ở, chúng tôi đang tích cực phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ để các hộ này có chỗ ở ổn định trong thời gian sớm nhất”- Bà Trương Thị Thu Hà nói.
Xóa nhà ỏ tạm là một trong những nội dung quan trọng của Mặt trận từ huyện đến cơ sở và được triển khai hàng năm. Cùng với việc phát triển Quĩ “Vì người nghèo”, kêu gọi sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát cơ sở, khảo sát thực tế và báo cáo kịp thời các trường hợp đủ điều kiện để hỗ trợ sửa chữa nhà hoặc làm nhà mới.
Từ năm 2020 đến nay, tính riêng từ nguồn hỗ trợ của Ủy ban MTTQ tỉnh và huy động đóng góp của cán bộ, nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã hỗ trợ xóa nhà tạm từ 14 đến 20 nhà/năm, số tiền hỗ trợ từ 40 đến 60 triệu đồng/nhà. Ông Ma Van, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh cho biết, ủng hộ xóa nhà tạm đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng, xã hội, nhất là các doanh nghiệp, thể hiện truyền thống quý báu của dân tộc ta là “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”. Ngoài việc đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo”, nhiều đơn vị đã đến hỗ trợ trực tiếp cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện luôn hoan nghênh, ghi nhận. Tuy nhiên, hiện thực tế vẫn còn nhiều hộ chưa có nhà ổn định, rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ hơn nữa của cộng đồng, xã hội, giúp các hộ nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn sớm có nhà ở, ổn định cuộc sống.
“Những ngôi nhà đại đoàn kết chứa đựng nghĩa tình, không chỉ thể hiện tấm lòng sẻ chia, đùm bọc của cộng đồng với các hộ nghèo mà qua đó còn tiếp thêm sức mạnh, động viên, khuyến khích hộ nghèo hăng hái lao động sản xuất, tự lực vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”- Ông Ma Van, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sông Hinh bày tỏ.