Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết 📷
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết gia tăng ở một số địa phương lân cận, huyện Sông Hinh đã chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Xã Ea Trol, huyện Sông Hinh có 8 thôn, buôn; 1 nghìn 200 hộ và hơn 5 nghìn nhân khẩu, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số sinh sống. Tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, những ngày qua, trạm y tế xã đã phân công từng cán bộ phụ trách đến địa bàn từng buôn để tuyên truyền, vận động. Với phương châm đi tận ngõ, gõ cửa từng nhà, ý thức diệt loăng quăng, bọ gậy, phòng bệnh lây truyền do muỗi đốt của người dân ngày một nâng lên. Mí Hiền, Buôn Thu, xã Ea Trol chia sẻ: “Buổi tối mùng màn phải cột đầy đủ, không để mỗi cắn con cái để chống sốt xuất huyết. Còn xung quanh nhà thường xuyên để ý nếu có thùng chức nước, hay xô, hay là cái nồi gì đấy ở dưới đất, bụi cây, gần nhà là phải đổ hết, úp hết xuống đất khỏi để con muỗi nó có chỗ đẻ trứng.
Dù vậy, công tác của cán bộ y tế cũng gặp không ít khó khăn, vẫn còn hộ chưa ý thức được, còn chủ quan, không chấp hành quy định phòng chống dịch cộng đồng. Nhiều người phanre ứng không cho cán bộ phun hóa chất diệt muỗi, hoặc không tự giác làm về sinh diệt trừ mỗi. Những trường hợp này cũng dần được thông suốt khi có sự hỗ trợ của ban, ngành, đoàn thể địa phương. Bà Lê Thị Kim Nga- Trưởng Trạm Y tế xã Ea Trol chia sẻ thêm: “Dù vẫn còn khó khăn nhưng chúng tôi luôn cố gắng. Chúng tôi rất mừng được đa số người dân ủng hộ, xã hỗ trợ, nên Trạm cũng phần nào yên tâm về dịch bệnh”
Ghi nhận từ đầu năm đến nay, huyện Sông Hinh xuất hiện 02 ổ dịch, 41 ca nhiễm sốt xuất huyết. Con số trên không nhiều như một số địa phương lân cận nhưng cũng đã tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Các ca bệnh cũng đều được tiếp nhận đưa về các cơ sở y tế theo dõi, điều trị, đồng thời xử lý tốt các ổ dịch ở cộng đồng không để lây lan. Theo Bác sỹ Ksor Y Sư, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sông Hinh, sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó mà thôi. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch dengue có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều hơn một lần trong đời.
Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Qua vết đốt, virus từ tuyến nước bọt của muỗi sẽ vào máu người rồi gây bệnh sốt xuất huyết.
Bệnh này xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa, mùa mỗi sinh sản nhiều. Đặc điểm là sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy tạng, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong.
Các biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tránh bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Để giảm nguy cơ bị muỗi đốt, hãy hạn chế tối đa việc bạn tiếp xúc với muỗi.
“Nhằm chủ động, đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó tập trung vào những vùng sốt xuất huyết có nguy cơ cao, huy động toàn lực tổng vệ sinh, diệt bọ gậy, phun hóa chất chủ động để xử lý sớm, phòng bệnh”- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh Ksor Y Sư nhấn mạnh..
Hiện tại, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện vẫn đang trong tầm kiểm soát, dù vậy, với đặc thù là vùng miền núi, có nhiều tuyến quốc lộ thông thương, cùng diễn biến mưa nắng thất thường của thời tiết là những yếu tố thuận lợi để muỗi sinh sôi, nảy nở, lây lan dịch bệnh. Huyện Sông Hinh vẫn đang tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp trong kế hoạch ngăn ngừa sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe người dân.