Nhận thức về tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” gắn với lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương
Trên cơ sở lý luận Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ CHí Minh, cũng như những ưu việt của việc lựa chọn con đường CNXH so với chế độ khác trong thực tiễn 92 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam” của GS, TS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định và làm rõ tính tất yếu, đúng đắn, khoa học, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm nên một chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam. Đây là một tác phẩm rất hoàn chỉnh, toàn diện, vô cùng súc tích, sâu sắc về quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với các vấn đề quan trọng trong việc xây dựng CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, giữa Độc lập dân tộc và CNXH. Phải khẳng định rằng, giá trị cốt lõi của tác phẩm chính là sự kiên định và hoàn toàn đúng đắn về đường lối, chủ trương của Đảng với những định hướng về nhận thức, về mục tiêu, về giải pháp xây dựng đất nước trong bối cảnh mới.
Mở đầu tác phẩm, Tổng Bí thư đặt ra và giải quyết vấn đề: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì trong bước đường tiếp theo? Đây là 4 vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa như nền tảng, cơ sở lý luận để Đảng ta dựa vào đó mà hoạch định đường lối, đề ra các nhiệm vụ chính trị cần giải quyết trong mỗi giai đoạn của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, dựa vào đó mà vận động, thuyết phục nhân dân, tập hợp lực lượng, huy động các nguồn lực, khơi dậy ý thức dân tộc, lòng yêu nước, khát vọng xây dựng đất nước cường thịnh của mỗi người dân, của cả cộng đồng dân tộc nhằm xây dựng thành công CNXH, mang lại sự phát triển toàn diện cho mỗi con người, mang lại tự do, hòa bình, giàu mạnh cho đất nước ta. Đây là cách tiếp cận bao trùm vấn đề nhưng lại cụ thể và vô cùng dễ hiểu, và tô đậm thêm bức tranh con đường đi lên CNXH của Đảng và nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn.
Tác phẩm đã chỉ rõ quan điểm nhất quán xuyên suốt lịch sử từ Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã nêu rõ mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam là: “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”. Luận cương chính trị tháng 10/1930 nhấn mạnh con đường phát triển của cách mạng Việt Nam “bỏ qua thời kỳ tư bổn mà tranh đấu thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa”. Và trong di chúc của người, nội dung cơ bản, xuyên suốt và bao trùm “Di chúc” là tư tưởng về CNXH và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng ta phải đứng trước vô vàn khó khăn, thách thức để giữ vững quan điểm nhất quá đi lên “CNXH”, đặc biệt là thời điểm khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào,lúc này các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị xuyên tạc, chống phá, công kích bằng các luận điệu thù địch, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và đòi hỏi chúng ta cần phải đi con đường khác.... Đứng trước vấn đề cam go này: Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn một lòng nhất quán và tiếp tục khẳng định: "Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh". Tại Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng (bổ sung, phát triển năm 2011), chúng ta một lần nữa khẳng định: "Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử".
Tác phẩm cũng rất khách quan đánh giá những ưu việt và mặt trái của chủ nghĩa tư bản trong suốt các thập niên qua: Tác phẩm thừa nhận chủ nghĩa tư bản chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ, đã điều chỉnh, hình thành không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước và ra sức tự điều chỉnh, thúc đẩy các chính sách "tự do mới" trên quy mô toàn cầu sau khi Liên Xô tan rã; Tuy nhiên, những bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, làm trầm trọng thêm những mâu thuẫn, xung đột giữa các sắc tộc… và Tổng Bí thư đã phân tích thực tiễn của xã hội hiện đại ở các quốc gia tư bản phát triển, qua đó khẳng định mặc dù chủ nghĩa tư bản có những bước tiến, đóng góp to lớn cho lịch sử nhân loại nhưng đó không phải là mục tiêu mà nhân loại hướng tới bởi chính CNTB đã chứa trong đó những khuyết tật mà bản thân nó, dù có điều chỉnh, tìm cách hạn chế cũng không thể nào khắc phục được. Đó là do bản chất của chế độ TBCN dựa trên sự bóc lột, sự tước đoạt tự nhiên, sự duy trì bất bình đẳng xã hội với khoảng cách ngày càng rộng.
Và trái lại với bản chất của TBCN, bản chất XHCN mà Đảng ta hướng tới là các giá trị tiến bộ, nhân văn; một xã hội phát triển là thực sự vì con người; phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn; phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên, một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong chế độ chính trị XHCN, mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ thống nhất theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Tác phẩm cũng khẳng định con đường đi lên CNXH là Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quan điểm đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng, là thành quả lý luận sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội; Bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện… Từ những cách làm và bước đi thận trọng, tại Hội nghị tổng kết sau 35 năm đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể tự hào: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tin quốc tế như ngày nay”. Đó là sự đúng đắn, kiên định đi lên chủ nghĩa xã hội của Đảng và nhân dân ta, là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng chỉ rõ cho chúng ta thấy những hạn chế, khó khăn phải đối mặt và cần các giải pháp để thực hiện, đó là: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và các dịch vụ công ích khác, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa cho nhân dân. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, thực hiện tốt hơn nữa các nguyên tắc tổ chức xây dựng Đảng, nhằm làm cho tổ chức đảng và bộ máy nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng.
Là địa phương còn non trẻ, thành lập từ năm 2003 trên cơ sở tách ra từ xã Ea Bar, khi mới tách xã, chi bộ chỉ có 09 đảng viên, hiện nay Đảng bộ đã phát triển lên 194 đảng viên. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về CNXH và con đường đi lên CNXH. Đảng bộ xã Ea Ly luôn quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về con đường đi lên CNXH để thống nhất cả về nhận thức và hành động trong toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị - văn hóa – xã hội – An ninh, quốc phòng đều thực hiện đúng cơ chế vận hành “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ” và đúng phương châm lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân để xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. mọi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật và hoạt động của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu; Đưa vào quy chế làm việc việc đối thoại, tiếp xúc với nhân dân trở thành nề nếp hàng năm, tiếp công dân định kỳ 2 lần/tháng, tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND… qua đó lắng nghe ý kiến nhân dân để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc của nhân dân, quyết tâm “Nói cho dân hiểu, Làm cho dân tin” “cái gì lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì hại cho dân thì hết sức tránh”.
Tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, ghi nhận sự đóng góp của lực lượng làm công tác Dân vận tại địa phương
Đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo về năng lực và đạo đức để phục sự nhân dân, phụng sự tổ quốc ngày càng chất lượng và hiệu quả, “biết xin lỗi, biết cảm ơn” tạo được lòng tin và sự hài lòng trong dân...Đã thực hiện đảm bảo chế độ, chính sách như vùng đồng bào DTTS, hộ nghèo, cận nghèo, chính sách xã hội…đến đúng từng đối tượng. Lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội luôn gắn với quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Giai đoạn phấn đấu công nhận đô thị loại V, phấn đầu trở thành Thị trấn Tân Lập vaò năm 2025 được gắn liền trong đánh giá sự phát triển của nhân dân: Đời sống kinh tế của bà con nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người trên 44 triệu/ người, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm mạnh, công tác kiên cố hóa nhà cửa đang được đầu tư, quan tâm mạnh bằng các nguồn xã hội hóa, trong năm 2022, tính đến thời điểm này đã xóa 5 nhà, đang xét chọn xóa thêm 4 nhà; Kinh tế chuyển dịch theo đúng đinh hướng kinh tế thị trường định hướng XHCN; mức sống giữa các hộ dân cơ bản đồng đều, nước sạch chiếm 5/6 thôn, buôn, 01/05 thôn đã có chủ trương đầu tư công xây dựng, hoàn chỉnh đáp ứng 100% người dân được sử dụng nước sạch; đang phấn đấu đảm bảo 100% khu dân cư được chiếu sáng.
Bàn giao công trình điện chiếu sáng thôn Tân Sơn
Hàng năm, 100% trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng các loại vắc xin, 100% trẻ em được đến trường. 100% người già, neo đơn được cấp hưởng các chế độ chính sách của nhà nước kịp thời, bê tông hóa giao thông nông thôn, bê tông nội đồng với hơn 65km. Công tác chính sách người có công được các thế hệ ghi nhớ và thực hiện; Công tác phòng chống Covid-19 được đảm bảo phù hợp với mọi thời điểm và không ai bị để lại phía sau. Hệ thống thiết chế văn hóa ở các thôn được đầu tư xây dựng cơ bản, các câu lạc bộ được đầu tư về nhạc cụ, dụng cụ hoạt động như đàn tính, cồng chiêng, bóng bàn… nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của bà con Nhân dân..…
CLB hát then thôn Tân Lập biểu diễn tại Lễ ra mắt CLB liên thế hệ tự giúp nhau
Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn đảng được thường xuyên quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Công tác tự phê bình và phê bình thường xuyên, rõ nét và hiệu quả hơn..Nhân dân tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước….
Chi bộ quân sự tổ chức đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2025
Tóm lại, Tác phẩm như một luận cương mới về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, không chỉ thể hiện tầm nhìn xa, tư duy sắc sảo mà còn cho thấy bản lĩnh chính trị của người đứng đầu Đảng trước những đổi thay của tình hình trong nước và quốc tế. “ Cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, xây dựng chủ nghĩa xã hội là kiến tạo một kiểu xã hội mới về chất, hoàn toàn không hề đơn giản, dễ dàng. Đây là cả một sự nghiệp sáng tạo vĩ đại, đầy thử thách, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng đích lâu dài, không thể nóng vội. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Đảng ủy xã Ea Ly tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, công chức, đảng viên và người dân nhận thức sâu sắc hơn con đường đi lên CNXH, rèn luyện thêm bản lĩnh, làm tròn trách nhiệm cao nhất, luôn giữ vững niềm tin và tuyệt đối không dao động, ngả nghiêng trước những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đồng thời, truyền cảm hứng đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, quê hương, khát vọng hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.
Thu Hà