• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đưa nghị quyết đến với cuộc sống người dân

Với tinh thần phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng DTTS, vùng miền núi, Đảng bộ huyện Sông Hinh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp với các chương trình, kế hoạch cụ thể và đã mang lại nhiều kết quả khích lệ, góp phần củng cố niềm tin, mối liên hệ gắn bó giữa dân với Đảng, chính quyền.

GIÚP DÂN ỔN ĐỊNH CUỘC SỐNG

Chuyên viên Phòng NN và PTNT huyện Sông Hinh hướng dẫn người dân thâm canh lúa nước 2 vụ

Những ngày cuối tháng 6, nắng như đổ lửa phủ xuống các buôn làng người dân tộc thiểu số vùng cao Ea Lâm. Đàn bò vàng vốn quen với việc thả rông cũng phải tìm đến những bóng cây để trú ngụ, đám sắn non ngang đầu gối chân người cũng phải cụp lá để hạn chế mất nước thân cây. Nhưng trái lại, một không khí phấn khởi, lan tỏa trên khắp cánh đồng công trình Trạm bơm 2 Ea Lâm. Người thì mở cống dẫn nước vào ruộng, người phun thuốc, bón phân, có người đơn giản chỉ ra ngắm ngía, xem đổi thay từng ngày những cây lúa của mình đang vươn tươi tốt. Vài chỗ, nhóm 3- 5 người ngồi tụ đầu bờ ruộng, tranh thủ đợi nước đầy rôm rả chuyện làm lúa nước. Còn A Lê Y Mít một tay giữ chặt nón trước những cơn gió mạnh, một tay tay cầm rựa phạt những đám cỏ đang mọc quanh bờ, tận dụng gom lại vào những bao xác rắn màu đỏ mang về cho bò ăn. A Lê Y Mít cho hay, gia đình hiện có 4 người, vì không có ruộng nên hàng năm phải mua gạo nợ đợi đến mùa nhổ mì mới có tiền trả, vì vậy phải chấp nhận giá đắt gấp rưỡi. Những năm gần đây nắng hạn kéo dài liên tục, đất chai sạn, bạc màu nên năng suất sắn chẳng được bao nhiêu. “Có 4 sào lúa nước này là điều tôi mơ ước. Cám ơn Đảng, ơn Nhà nước”- Y Mít xúc động nói.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Ea Lâm Ksor Y Đen, Ea Lâm phần chính là người dân tộc thiểu số Ê Đê sinh sống, kinh tế chủ yếu dựa vào nuôi bò, trồng sắn. Những năm gần đây ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, đồng cỏ hạn hẹp, bệnh khảm lá sắn hoành hành ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, trong khi đó không chủ động được nguồn lương lực nên cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Năm 2021 huyện Sông Hinh đầu tư hơn chục tỷ đồng để xây dựng công trình Trạm bơm Ea Lâm 2, lấy nước từ dòng sông Ba đẩy lên độ cao hàng chục mét rồi đồ về các kênh mương, phần còn lại người dân tự san ủi thành ruộng. Cũng chính vì vậy, trong phạm vi phủ tưới của kênh mương, nhiều hộ có vài hecta, nhưng cũng rất nhiều hộ không có sào ruộng nào. Để người  dân cùng được hưởng lợi từ công trình, Đảng ủy đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, đến từng nhà tuyên truyền vận động, giải thích, thuyết phục để bà con nhân dân tự nguyện chia sẻ đất cho người thân, họ hàng, xóm làng. Vì vậy ngay trong vụ đầu tiên đã có 24,6 hecta đã được cải tạo thành những ruộng lúa nước. Bên cạnh đó xã thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ trong vụ đầu đến người dân như cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chuyển giao kỹ thuật thâm canh lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng, chỉ đạo cán bộ nông nghiệp, khuyến nông bám đồng ruộng hàng ngày để hướng dẫn, nhắc nhở bà con chăm sóc lúa đúng quy trình kỹ thuật.

Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn giới thiệu với các đồng chí lãnh đạo tỉnh Phú Yên mô hình lúa nước vụ đầu tiên tại cánh đồng trạm bơm Ea Lâm 2

Ngoài Công trình Trạm bơm Ea Lâm 2, trước đó nhiều công trình thủy lợi tương tự khác đã được xây dựng và phát huy hiệu quả như Công trình trạm bơm buôn Học xã Ea Lâm, trạm bơm buôn Mả Vôi xã Đức Bình Tây, kênh mương Suối Biểu xã Sơn Giang, Công trình trạm bơm Hồ Trung tâm, Công trình trạm bơm buôn Đức Mùi xã Ea Trol. Các công trình trên đến nay đều đã phát huy hiệu quả. Ông Ksor Ron, Bí thư chi bộ, Trưởng buôn Đức Mùi, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh cho biết, Đức Mùi là buôn tái định cư sau thủy điện Sông Hinh, những năm qua cuộc sống người dân tộc thiểu số Ê Đê nơi đây gặp nhiều khó khăn do thiếu đất sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa. Năm 2020, huyện Sông Hinh đã quan tâm đầu tư 2,6 tỷ đồng kéo dài kênh mương thủy lợi hồ buôn Đức về lại gần buôn; thu hồi đất đồi và san ủi, đắp bờ cải tạo thành 5,6 ha lúa nước 02 vụ cấp cho 54 hộ dân đặc biệt thiếu đất sản xuất trong buôn. Cùng với sự năng nổ của đội ngũ cán bộ dân vận, sự nhiệt tình của các chuyên viên nông nghiệp, người dân đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật thâm canh vào canh tác, năng suất lúa đạt cao, một sào lúa nước bằng cả hecta lúa rẫy, chỉ cần có từ 1 sào lúa là hộ gia đình 4 người dư dả gạo ăn. Y , một người dân buôn Đức Mùi chia sẻ: “Trước kia tôi phải đi làm thuê, đi lượm ve chai để kiếm tiền mua gạo hàng ngày, nhờ có 1 sào lúa nước 2 vụ, bây giờ tôi yên tâm ở nhà chăm chút nuôi bò, nuôi heo có thêm tiền cho các con học hành, tích lũy tiền để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn cho hay, chăm lo đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương đảm bảo nước tưới 2 vụ, mục tiêu đầu tư không đặt nặng phải tạo ra bao nhiêu tiền, mà qua đây giúp người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, đặc biệt là ổn định lương thực tại chỗ, từ đó góp phần ổn định xã hội.

VÀ LÀM GIÀU TỪ KHAI THÁC TIỀM NĂNG

Nếu như cây lúa giúp người dân ổn định cuộc sống thì các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây ăn quả đã và đang mang lại thu nhập khá cho người dân. Là người đầu tiên thành công với cây cam sành, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, không dừng lại, với quyết tâm cao, ông Võ Minh Tuấn, khu phố 10, thị trấn Hai Riêng đã tiếp tục thành công khi đưa cây cam sành lên núi cao. Khí hậu phù hợp, sử dụng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, bón phân bằng phương pháp sinh học, cam sành của ông Tuấn đạt chất lượng cao hơn, ngon hơn, ngọt hơn. Giờ đây ông Võ Minh Tuấn đã có 3 sản phẩm là cam sành, cam V2, bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh. Ông Tuấn nói: “Lãnh đạo tỉnh Phú Yên, lãnh đạo huyện Sông Hinh cũng như các cán bộ nông nghiệp, khuyến nông thường xuyên đến thăm, động viên, hỗ trợ quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin, kiến thức mới, điều đó đã giúp tôi tự tin hơn trong phát triển sản xuất”.

Cây ăn quả giá trị kinh tế cao đang được đầu tư mạnh ở các xã phía Tây huyện Sông Hinh

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, từ năm 2017 đến nay, huyện thực hiện chủ trương khi phê duyệt, phân bổ ngân sách hàng năm, luôn dành một tỷ đồng để nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thực hiện chủ trương này, huyện đã lựa chọn một số hộ dân có điều kiện, đưa đi học tập kinh nghiệm các mô hình cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đã mang lại hiệu quả ở các nơi trong và ngoài tỉnh, sau đó về địa phương tiếp tục hỗ trợ các hộ dân thực hiện các mô hình điểm như: sầu riêng, xoài, ổi, bơ boot, bưởi da xanh, mít Thái, mít không hạt, dừa xiêm… với tổng diện tích 59,3ha tại 10 xã, thị trấn với 105 hộ tham gia. Mục tiêu của mô hình nhằm giúp người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật cao vào sản xuất, tạo ra sản phẩm sạch, năng suất chất lượng cao, hạn chế phụ thuộc vào thời tiết, từ đó nhân rộng ra cộng đồng. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Chí Hiền cho biết: Việc triển khai các mô hình đã góp phần thúc đẩy phát triển cây có giá trị cao, đến nay diện tích cây ăn quả đã tăng lên 1.150ha, nhiều hộ đã có thu nhập từ 200 triệu đến 400 trăm triệu đồng mỗi hecta từ các loại cây này như ông Võ Minh Tuấn ở thị trấn Hai Riêng, ông Hứa Văn Nhay, Tạ Quốc Linh, Cao Nguyên Lâm ở xã Ea Bar, ông Lê Văn Quang ở thị trấn Hai Riêng. “Để khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, huyện tiếp tục chủ trương đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường, điện nội đồng, các công trình thủy lợi, cải tạo hồ nông hộ để đảm bảo tưới tiêu cho các loại cây trồng, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp thu mua, đặc các cơ sở chế biến tại địa phương”- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Chí Hiền cho biết thêm.

KINH NGHIỆM TỪ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT

Hiệu quả của chủ trương mở rộng diện tích lúa nước vùng đồng bào dân tộc thiểu số hay phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao là kết quả của sự quan tâm, gần dân, sát dân. Theo Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu, chủ trương trên được đề cập trong Nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ huyện, tuy nhiên được đẩy mạnh trong thời gian gần đây. Động lực để Huyện ủy quyết tâm thực hiện xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của người dân.

Với tinh thần gần dân, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã duy trì chủ trương lãnh đạo huyện tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại cấp xã, lãnh đạo xã tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại thôn, buôn, khu phố; Ban Thường vụ Huyện ủy gặp gỡ già làng, người có uy tín và cán bộ cốt cán ở cơ sở hàng năm. “Đây là những dịp để Ban thường vụ, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nắm bắt đầy đủ thông tin, tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân ở cơ sở, từ đó có những chính sách, quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn”- Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu nhấn mạnh.

Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu cho biết thêm, để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, phát huy năng lực lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng luôn có vai trò quan trọng. Xác định ý nghĩa đó, để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên, Huyện ủy Sông Hinh thực hiện nghiêm quy chế chất vấn trong Đảng, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của Đảng, của chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khoá XI, XII và Kết luận số 21 của BCH Trung ương khoá XIII; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện bản cam kết học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, lấy đó làm thước đo để đánh giá, xếp loại nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. 

Nhờ đó, nghị quyết của Đảng bộ Huyện đã đi vào cuộc sống, nhân lên niềm tin yêu, sự gắn bó giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Già làng Lô Mô Y Đênh, buôn Quang Dù, xã Đức Bình Tây, bày tỏ: “Nhờ có Đảng, chính quyền địa phương, cuộc sống của bà con ngày càng khấm khá. Sự quan tâm, gần gũi của cán bộ người dân đều cảm nhận rõ, bà con ngày càng phấn khởi tin tưởng, cám ơn với Đảng, chính quyền”. Còn Già làng, người uy tín Ma Hia, buôn Bai, xã Ea Lâm cho hay: “Trước đây nhiều kẻ xấu lợi dụng khó khăn của bà con buôn làng đến dụ dỗ, lôi kéo người nhẹ dạ làm những việc trái với truyền thống buôn làng, gây mất đoàn kết nội bộ nhân dân. Giờ đây cuộc sống đã đổi thay, bà con rất phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, đồng lòng, sát cánh cùng chính quyền tích cực đấu tranh, phản bác với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ buôn làng bình yên, phát triển”.

 

VĂN THÙY (Tạp chí Văn Nghệ Phú Yên)

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Cây danh mục
Cây danh mục
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang thành phần
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 125
Hôm qua : 191
Tháng 12 : 7.337
Năm 2024 : 209.754