Phát triển kinh tế bền vững nhờ ủ chua thức ăn xanh chăn nuôi
Khi cây sắn, cây mía không còn phát huy hiệu quả vì đất đã bạc màu, hộ gia đình ông Hoàng Văn Hưng, thôn Kinh tế 2, xã Ea Trol đã bứt phá trong việc làm ăn kinh tế với những sáng tạo trong mô hình VAC. Qua nhiều năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến nay mô hình trang trại của ông Hưng dã phát huy hiệu quả.
Ông Hưng chăm sóc dê của gia đình
Đến với vùng đất kinh tế mới thôn Kinh tế 2, xã Ea Trol từ những năm 2000, hoàn cảnh gia đình đông người, khó khăn, Hoàng Văn Hưng phải thôi đến trường để ở nhà phụ giúp gia đình làm kinh tế. dù làm đủ các công việc như nương rẫy, phụ thợ hồ, buôn bán nhỏ lẻ. Vất vả nhưng cuộc sống của đại gia đình cũng chỉ ở mức cầm chừng và luôn trong tình trạng thiếu thốn vì công việc thường xuyên gián đoạn.
Sau khi cưới vợ và sinh 02 con, cuộc sống càng khó khăn hơn. Năm 2017, được bố mẹ cho ra ở riêng và chia cho 3 ha đất nông nghiệp, ông Hưng cùng vợ đã bàn bạc, hạ quyết tâm, tạo sự đột phá trong việc làm ăn kinh tế với gia đình nhỏ của mình.
Khai thác lợi thế từ 3 ha đất, tài sản duy nhất của gia đình, ông không trồng mì kinh doanh như trước mà trồng các loại cây hoa màu khác nhau như bắp, chuối, rau, cỏ, lúa, khoai… để phục vụ cho việc chăn nuôi gia súc, gia cầm; dành 5.000m2 để làm chuồng trại, 2.000m2 đào ao vừa nuôi cá vừa lấy nước để chủ động trong việc chăm sóc cây.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội và được họ hàng, người thân cho cho mượn thêm, ban đầu ông mua vài con bò, vài con dê, vài con heo cùng gà, vịt để chăn nuôi, dưới ao thả cá để làm thức ăn cải thiện đời sống hàng ngày.
Gắn bó nhiều năm với nông nghiệp, ông Hưng nhận thấy rằng, khó khăn lớn nhất là nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm để duy trì sản xuất chăn nuôi trong mùa mưa lũ. Để chủ động, ngay từ đầu mùa mưa, vợ chồng ông Hưng đã đến các rẫy sắn vừa thu hoạch thu gom ngọn và lá sắn, về phơi cho héo, băm gọn lại rồi cho vào các bao lớn để ủ men vi sinh. Đây là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho gia súc, gia cầm mùa mưa. Ông Hưng chia sẻ: “Mùa mưa năm, nhờ ủ được 03 bao lá sắn, mỗi bao chừng 7 tạ, nên đàn gia súc, gia cầm vẫn khỏe mạnh sinh sôi nảy nở. Loại lá sắn ủ men này con nào cũng thích, từ dê, bò, heo gà và cả cá dưới ao”.
Từ năm 2017 dến nay, trang trại của ông Hưng luôn duy trì đều 200 gà mái đẻ. 100 gà thương phẩm, 100 con vịt siêu đẻ trứng, 7 con heo nái lai và heo đen sinh sản; 35 con dê và 13 con bò cái sinh sản.
Phần lớn các công việc duy trì hoạt động sản xuất, chăn nuôi của gia đình do hai vợ chồng thực hiện, ba năm qua, trừ hết các chi phí, hàng năm mang lại nguồn thu nhập ổ định 147 triệu đồng cho gia đình.
Nhờ nguồn thu nhập ổn định, đến nay ông Hưng đã có hệ thống chuồng trại kiên cố cùng đầy đủ các máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, chăn nuôi. Chia sẻ kinh nghiệm thực tế từ việc làm của mình, ông Hưng cho biết thêm: “Việc thiết kế hết cấu chuồng trại như: điện, diện tích, nguồn nước phải có cơ sở khoa học phù hợp với từng con vật nuôi, điều đó tôi học được từ các mô hình thực tế khác cũng như ở các lớp tập huấn trên xã tổ chức. Quá trình sản xuất, tiêu chí bảo đảm môi trường không làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của cộng đồng dân cư được đặt lên hàng đầu. Và vấn đề tôi quan tâm nhất là chủ động nguồn thức ăn kể cả mùa nắng cũng như mùa mưa”.
Nói về công việc và cuộc sống của hộ ông Hoàng Văn Hưng, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Trol Nay Y Bình chia sẻ: “Từ một hộ gia đình có cuộc sống, việc làm không ổn định, đến nay hộ ông Hoàng Văn Hưng đã vươn lên khá giả. Bên cạnh đó, ông Hưng cũng là một hội viên nông dân tích cực với phong trào Hội như tham gia sinh hoạt đều đặn, tích cực học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong làm ăn kinh tế”.
Mạnh dạn trong chuyển đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm, mô hình kinh tế trang trại của hộ ông Hoàng Văn Hưng, thôn kinh tế 2, xã Ea Trol đã được người dân địa phương đánh giá cao, xứng đáng để học tập. Đây cũng là mô hình, hội viên tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi được Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh tặng giấy khen giai đoạn 2019-2021.(Văn Thùy)