• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khám phá du lịch Sông Hinh 📷

Sông Hinh là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam tỉnh Phú Yên, có vị trí địa lý và là đầu mối giao thương với nhiều trung tâm tỉnh lỵ trên trục đường Quốc lộ 29, Quốc lộ 19c và đường Đông Trường Sơn. Cách TP Tuy Hòa chừng 60 km, Buôn Ma Thuột chừng 120 km. Tổng diện tích tự nhiên 89.320 ha, độ che phủ rừng đạt 40% diện tích, trong đó có trên 27 nghìn hecta rừng tự nhiên. Nơi đây thiên nhiên ban tặng nhiều danh thắng đẹp với thác gềnh, sông suối uốn lượn, núi rừng hoang sơ. Cùng với đó, 22 dân dộc anh em sinh sống với nền văn hóa đa dạng đặc sắc được bảo tồn phát huy giá trị đã tạo lên vùng đất Sông Hinh hấp dẫn, thích hợp cho những du khách đam mê du lịch khám phá, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cũng đặc biệt là du lịch cộng cồng.

Di tích thắng cảnh Thác H’Ly

Thác HLy (thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh) có chiều cao khoảng 10m, chiều rộng khoảng 80m, nằm cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 90 km nằm sát Quốc lộ 19C thuộc địa phận thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh

Sự hình thành thác H’Ly được kể lại bằng một truyền thuyết nhuốm màu sử thi của đồng bào các dân tộc bản địa sống trên địa bàn. 

Từ thuở xa xưa, trên vùng đất Sông Hinh và Ma Đrắc có hai tù trưởng của hai bộ tộc thường xảy ra mâu thuẫn, mặc dù người dân dân hai bộ tộc luôn mơ ước được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng, cùng nhau hưởng cảnh ấm no hạnh phúc. Niềm mơ ước này tưởng có thể trở thành sự thực khi chàng trai của vị tù trưởng bộ tộc này đem lòng yêu thương cô con gái cưng của vị tù trưởng bộ tộc kia. Hai người thường hò hẹn nhau ngay trên bờ Sông Hinh, nơi có cánh rừng đại ngàn, có con sông nước trong xanh với làn hương của muôn loài hoa tỏa bay thơm ngát. Họ thề ước cùng nhau sống trọn kiếp người trong hạnh phúc lứa đôi và không quên làm cầu nối để xóa tan đi những hận thù của hai vị tù trưởng là cha của chàng và nàng, mang lại cuộc sống ấm no cho hai bộ tộc.

Tuy nhiên những tâm nguyện tốt đẹp của hai người đã không trở thành hiện thực khi hai bên lại sử dụng binh lính để giải quyết những bất hoà. Trong một lần giao chiến giữa hai bộ tộc chàng trai chẳng may bị tử trận. Nàng H’Ly  buồn bã than khóc cho người yêu, nước mắt nàng biến thành con suối, thành dòng sông và cuộn trào tuôn đi, xói bờ đá cứng thành thác sâu, nước đổ réo rắt tung bọt trắng ngầu cả một quãng sông dài. Ngọn thác nơi nàng H’Ly ngồi khóc người yêu được đặt tên là thác  H’Ly. Ngọn thác đó vẫn ngày đêm tuôn chảy để trở thành một thắng cảnh trên vùng rừng núi Sông Hinh hùng vỹ.

Ngày 18 tháng 8 năm 2020, UBND tỉnh Phú Yên đã có Quyết định số 1431 công nhận thác H’ Ly là di tích thắng cảnh cáp tình. Đây thật sự là niềm vui, niềm tự hào của cả Đảng bộ và nhân dân Sông Hinh bởi thác H’Ly không chỉ có cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, mà còn là địa điểm lưu giữ di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn Trường Sơn - Tây Nguyên. Di tích thắng cảnh Thác H’Ly là địa điểm có tiền năng phát triển du lịch ở vùng miềm núi Sông Hinh nói riêng và Phú Yên nói chung. Có thể kết nối thắng cảnh này với các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn huyện Sông Hinh như hồ thủy điện, Căn cứ của huyện Sông Hinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thác DraiTăng, buôn Lê Diêm để trở thành tuyến tham quan du lịch nhiều hấp dẫn.

Thác Jrai Tang

Thác Jrai Tang thuộc địa phận buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh nằm ở phía Tây của huyện Sông Hinh, cách khu dân cư buôn Ly 03 km, cách trung tâm xã Ea Trol 04 km, cách trung tâm thị trấn Hai Riêng 7 km và cách trung tâm thành phố Tuy Hoà và Sân bay Tuy Hoà khoảng 60 km. Tổng diện tích khu vực thác Jrai Tang 35.000m2.

Thác Jrai Tang nằm trên suối Trol Na bắt nguồn từ nhiều dòng suối trên dãy núi Hòn Đen đổ về; xung quanh suối Trol Na có nhiều ngọn núi cao bao bọc, hai bên bề suối là rừng tự nhiên có nhiều cây cổ thụ và hoa Trang rừng, trên bìa suối Trol Na là rừng trồng cây keo lai, cây cao su… suối có nguồn nước quanh năm và không khí trong lành, mát mẻ. Thác Jrai Tang có chiều dài trên 1.500m, chiều rộng trung bình 400m do đặc điểm địa hình phần lớn là núi thuộc dãy Trường Sơn và có độ cao từ 500 - 1000m, dưới lòng suối có nhiều gộp đá chồng lên nhau, có nơi bằng phẳng chu vi từ 3 - 5m2 đã được dòng chảy mài mòn qua thời gian; do độ cao không chênh lệch lớn và có nhiều núi nên khi dòng nước đổ xuống uốn lượn tạo ra nhiều thác nhỏ, phía dưới thác là hồ nước sâu và rộng rất thích hợp để tắm. Người dân địa phương quý dòng thác Jrai Tang như mái tóc dài ống ả của thiếu nữ Ê đê. Đặc biệt vào tháng 2 âm lịch hàng năm hoa Trang rừng dọc hai bên bề suối nở rộ tạo cảnh quan hùng vĩ, xinh đẹp và quyến rủ du khách.

Ngày 7/3/2022, UBND tỉnh Phú Yên đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng tời chấp thuận nhà đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái Jrai Tăng của Công ty TNHH Tâm Phú Minh. Quy mô xây dựng là 7.585m2, bao gồm nhà trung tâm, nhà hàng, nhà điều hành, 02 nhà sinh hoạt cộng đồng, 03 căn nhà gỗ ven đồi, 26 căn nhà gỗ ven suối.

Việc khai thác, phát huy giá trị tự nhiên thác Jrai Tang thành Điểm du lịch sinh thái và trong tương lai hình thành Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, gắn với du lịch cộng đồng buôn Ly không chỉ hình thành tuyến du lịch “Sinh thái - Văn hóa và Cộng đồng”, mà còn khai thác, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Êđê, đồng thời tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số địa phương, góp phần bảo vệ rừng, cảnh quan thiên nhiên và quảng bá hình ảnh, con người và tiềm năng phát triển du lịch.

Thủy điện Sông Hinh

Từ thành phố Tuy Hòa về hướng Tây - Nam tầm 5km, Hồ Thủy Điện Sông Hinh Phú Yên nổi bật với công trình xây dựng vô cùng thu hút, được mọi người ví von là “thế giới khoa học kỹ thuật”. Không đơn thuần là một hệ thống phát điện, nó còn là điểm hẹn hấp dẫn đối với nhiều du khách khi có dịp dừng chân ngao du ở Phú Yên nói chung và sông Hinh nói riêng

Dòng Sông Hinh là một trong 3 nhánh lớn của sông Ba có chiều dài khoảng 85km, bắt nguồn từ đỉnh Chư Mu với độ cao lên đến 2051m, đổ vào phía bên phải sông Ba tọa lạc tại xã Đức Bình Bông, huyện Sông Hinh.

Hồ Thủy Điện Sông Hinh Phú Yên  là một công trình thủy điện được xây dựng trên dòng sông Hinh thuộc xã Ea Trol, huyện sông Hinh, tỉnh Phú yên, nằm cách xa trung tâm thành phố Tuy Hòa tầm 35km về hướng Tây – Nam.

Công trình được khởi công xây dựng từ 1993 và hoàn thành vào năm 2001, có tổng công suất là 70 MW gồm 2 tổ máy phát. Xung quanh Hồ Thủy Điện Sông Hinh là cảnh quan hùng vĩ, nổi bật với cấu trúc xây dựng tuy không quá đặc sắc nhưng vô cùng kiến cố.

Đoạn đường đi từ nhà máy đến Hồ Thủy Điện Sông Hinh Phú Yên khá thú vị với những vòng cua uốn lượn, bám vào sườn núi được hình thành từ cách đây không lâu. Đi trên đoạn đường này, bạn sẽ cảm nhận được sự gần gũi, cận kề với “thế giới khoa học kỹ thuật” bởi sự xuất hiện sừng sững của những tháp điều áp trên đỉnh núi và những đường ống dẫn nước to khổng lồ được nối với nhà máy theo đường hầm, xuyên qua lòng núi dài 1,5km.

Nếu được đứng từ trên cao nhìn xuống, bạn sẽ không ngừng mê mẩn vẻ đẹp của mặt nước hồ mênh mông được bao bọc bởi rừng núi bạt ngàn, hoang sơ trông chẳng khác gì mắt ngọc huyền bí. Ngày xưa, nơi đây chỉ là một vùng rừng rộng lớn nhưng giờ đây đã chìm trong biển nước, chỉ còn đâu đó những ngọn đồi nhỏ kiêu hãnh, hiên ngang, còn đủ sức nhô lên giữa hồ.  

Ngoài ra, tại đây bạn có thể tham quan nhà máy phát điện, hệ thống đập ngăn nước hoặc đi ngắm cảnh trên lòng hồ xanh biếc rộng khoảng 41km2 bằng thuyền, ghé thăm khu căn cứ cách mạng Hà Roi, xã Sông Hinh. Hồ thủy điện Sông Hinh còn là nơi cung cấp thực phẩm sách với các loại cá đặc sản như: cá mã, cá thác lác, cá lăng, cá chẽm...

Vùng cây ăn trái

Hình thành chưa lâu nhưng đến nay vùng cây ăn trái tại huyện Sông Hinh đã lên đến 1.539hecta, tập trung ở các xã phía Tân Nam huyện như Ea Bar, Ea Ly. Trong số trên, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao là 744ha, gồm: sầu riêng 255ha, cây có múi 215ha, bơ 274ha và các loại cây ăn trái khác.

Trong thời gian đến, huyện Sông Hinh xây dựng vùng chuyên canh trồng cây ăn trái, phát triển diện tích lên 1.600ha, tập trung các loại giống sầu riêng lép hạt, mít Thái Chanh dây, cam, ổi, xoài…, trong đó có 800ha cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Để nông dân mở rộng diện tích, huyện chú trọng đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như đường, điện nội đồng và các công trình thủy lợi nhỏ (hồ nông hộ) để đảm bảo nhu cầu tưới tiêu, vận chuyển.

Định hướng phát triển vùng cây ăn trái đã mang lại kết quả tích cực, không những mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương, mà còn tạo lên sự phong phú, đa dạng trong du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách khi chọn Sông Hinh là điểm dừng chân.  

Buôn du lịch cộng đồng Lê Diêm

Buôn Lê Diêm nằm ngay tại trung tâm huyện lị Sông Hinh, bên bờ hồ mênh mông xinh đẹp. Buôn Lê Diêm có từ lâu đời, 90% là người  Ê Đê bản địa. Dù sống giữ trung tâm kinh tế sôi động nhưng người dân những dây vẫn giữa nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, đặc biệt là cấu trúc của buôn làng với những ngôi nhà sàn dài truyền thống.

Cùng với đó người dân buôn Lê Diêm nói riêng, người dân huyện Sông Hinh nói chung luôn có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Mỗi khi đến với buôn làng vào mùa lễ hội, không khó để bắt gặp các thể loại văn hóa phi vật thể mang tính cộng đồng cao được người dân tổ chức, như: Cồng chiêng A Ráp, Lễ cúng trưởng thành, Lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới, Lễ bỏ mả, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng nhà mới hay Lễ cúng cổng làng vào mỗi dịp đầu năm.

Việc bảo tồn được các giá trị của lễ hội đã kéo theo nhiều thể loại văn hóa vật thể, phi vật thể khác được phát huy như: chiêng 5 cồng 3, trống đôi, trống cái, Tù Và, Đinh năm, Đàn môi, Đàn Kơ ni, Múa Xoan, Múa Khiêl, Múa trống Tùng khắc, Đan lát, Dêt thổ cẩm; Kỹ thuật làm nhà dài, Kiến trúc nhà mồ, Điêu khắc tượng nhà mồ; Văn hóa ẩm thực với các món ăn mang đậm hương vị Tây Nguyên như Chế biến cơm lam, rượu cần, muối kiến vàng, bò một nắng hai sương, canh bồi rau rừng, canh lá sắn, nấm mối nấu ớt rừng... Tới đây, du khách có thể ở lại trong những homstay ở giữa buôn làng, hoặc sống cùng với các hộ gia đình người DTTS Ê Đê để trải nghiệm với những công việc thường ngày của người dân bản địa.

Để khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch buôn Lê Diêm, huyện Sông Hinh hiện đang tiếp tục đầu tư dự án đường vành đai khép kín hồ trung tâm với vốn đầu tư 50 tỷ đồng. Ngoài nhằm tạo điểm nhấn về cảnh quan khu vực hồ trung tâm, buôn Lê Diêm sẽ được kết nối giao với bờ đông và bờ tây Hồ trung tâm và khu vực đồi thông. Tại đây, du khách có thể thả bộ hít thở không khí trong lành khi thức dậy vào buổi sáng, hoặc ngắm cảnh hoàng hôn buổi chiều với những đàn cò trắng muốt bay lượn qua mặt hồ về tổ.

Sông Hinh được đánh giá như một thiếu nữ còn ngái ngủ. Thời gian qua, huyện dành nhiều quan tâm cho đầu tư, phát triển du lịch, tuy nhiên vẫn chưa được như mong muốn do hạn chế nguồn lực. Mong rằng các doanh nghiệp, các nhà báo, du khách, người dân đến với Sông Hinh nhiều hơn, tiếp tục chung tay, góp sức, tăng cường đầu tư, gới thiệu quảng bá, khai thác tiềm năng thế mạnh, góp phần đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đồng bào các dân tộc tại địa phương. Huyện Sông Hinh trân trọng cám ơn, cam kết tạo mọi điều kiện và coi đây là tình cảm sâu sắc với quê hương Sông Hinh sử thi anh hùng

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quí đại biểu, quí du khách đã đến thăm và kết thúc clip này bằng bài hát “Thương lắm nhớ nhiều”. Đây là ca khúc do anh Ksor y Thư, một người con của buôn làng Ê Đê buôn Ly, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh sáng tác và biểu diễn./.

 

Văn Thùy

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 208
Hôm qua : 336
Tháng 03 : 21.309
Năm 2024 : 49.438