• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Sông Hinh- một năm nhiều khởi sắc

Năm 2022, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, huyện cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp vào những tháng đầu năm; giá nguyên liệu, xăng, dầu, vật liệu xây dựng tăng đột biến... đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư. Tuy nhiên với nỗ lực chung, kinh tế Sông Hinh đã có khởi sắc.

Phát huy lợi thế địa phương, sản xuất nông nghiệp trong năm qua được quan tâm tâm đầu tư. Các giống cây trồng mới, có khả năng kháng bệnh cao hoặc có triển vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao tiếp tục được thử nghiệm và nhân rộng. Công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng, hệ thống thủy lợi được đầu tư, đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả. Điển hình trong lĩnh vực này như: mô hình trình diễn sản xuất lúa nước tại công trình mới san ủi trạm bơm EaLâm II vụ Hè Thu 2022, diện tích 24,42 ha gồm 104 hộ dân tham gia, sử dụng 03 giống lúa Đài Thơm 8, MT10 và ĐB6 cho năng suất cao đạt từ 65 – 80 tạ/ha; mô hình liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm lúa gạo giữa UBND xã Sơn Giang và công ty CP Tập đoàn Tân Long, sử dụng giống lúa ST25, diện tích khoảng 55,33 ha, 71 hộ tham gia, năng suất đạt 55 tạ/ha. Phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức Hội nghị tọa đàm về ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp cho cây sầu riêng. Mở 06 lớp tập huấn kỹ thuật thâm canh sản xuất lúa nước và hội thảo, tổng kết mô hình thu hút được trên 420 người tham gia

Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cơ bản ổn định và có sự chuyển biến về phương thức, hình thức chăn nuôi tập trung, mô hình nuôi công nghiệp, trang trại ngày càng gia tăng, đến nay toàn huyện có 07 trang trại hoạt động. Công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được chú trọng, tiêm phòng vaccin LMLM cho gia súc đạt tỷ lệ trên 83% tổng đàn, vượt kế hoạch tỉnh giao (82%). Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 80 ha, sản lượng khai thác đạt khoảng 655 tấn.

Kinh tế rừng phát triển mạnh, toàn huyện đã trồng khoảng 1.350 ha và trồng được 165.805 cây phân tán, nâng tỷ lệ độ che phủ rừng lên 44,3%, đạt so kế hoạch đề ra. Trao đổi thêm về lĩnh vực này, ông Phạm Văn Hải, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện Sông Hinh cho biết thêm: “Trong năm qua, dù còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp được huyện quan tâm chỉ đạo tích cực, giữ mức tăng trưởng khá. Nhờ vậy, đến cuối năm 2022, tổng giá trị sản xuất nông-lâm-thủy sản đạt 1.658 tỷ đồng (tăng 0,79% so kế hoạch đề ra đầu năm); tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm 22.353,6 ha  (đạt 100,34% so với kế hoạch); tổng sản lượng lương thực 26.578 tấn  (đạt 98,57% so với kế hoạch, tăng 2,11% so với năm trước). Kết quả trên là những tín tiệu tích cực sau hơn 1 năm dồn toàn lực cho cuộc chiến phòng, chống COVID-19.

Cùng với đó, sản xuất công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp cũng đã có chiều hướng tăng trưởng, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện đạt 3.641 tỷ đồng, tăng 10% so cùng kỳ năm trước. Cơ cấu nội ngành có sự chuyển dịch tích cực, công nghiệp chế biến vẫn đóng vai trò chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp gần 63% giá trị sản xuất toàn ngành. Công tác kêu gọi, thu hút đầu tư được đẩy mạnh thực hiện; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất.

Lĩnh vực thương mại-dịch vụ phát triển nhanh, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tổng giá trị toàn ngành đạt 1.895 tỷ đồng, vượt 3,84% so với kế hoạch đề ra. Các biện pháp đảm bảo lưu thông hàng hóa và bình ổn thị trường được duy trì thường xuyên, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trên địa bàn huyện đạt 470 tỉ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch có nhiều khởi sắc, hình thành và phát triển một số sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch văn hóa cộng đồng, thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan.

Hoạt động vận tải từng bước được phục hồi, doanh thu vận chuyển hàng hóa và hành khách ước thực hiện 73,636 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2021. Dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển nhanh, hạ tầng viễn thông từng bước được hiện đại hóa, góp phần cải thiện chất lượng dịch vụ cung ứng, doanh thu đạt 50,705 tỷ đồng, tăng 5% so năm trước.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, thực hiện tốt huy động, cho vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, phục vụ đầu tư phát triển sản xuất.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai thực hiện mạnh mẽ . Tập trung phân bổ các nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của huyện và đã được tỉnh công nhận 04 sản phẩm OCOP (02 sản phẩm bò một nắng, 01 sản phẩm bưởi da xanh và 01 sản phẩm ổi). Tổng kết chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn giai đoạn 2017 – 2020, toàn huyện đã thi công hoàn thành 245,206km, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản của người dân trên địa bàn.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổng vốn đầu tư phát triển 1.013 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so năm trước; chủ động triển khai thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công năm 2022, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm của huyện. Nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 11 công trình, hạng mục công trình, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển, hình thức kinh doanh đa dạng, phong phú. Trong năm 2022, đã thành lập mới 13 doanh nghiệp (lũy kế toàn huyện có 102 doanh nghiệp); cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 165 hộ, tổng vốn đăng ký 75 tỷ đồng; cấp thay đổi, bổ sung nội dung đăng ký kinh doanh 103 hộ. thu ngân sách nhà nước được 132 tỷ đồng, đạt 126,9%  so với dự toán tỉnh và đạt 101,5% kế hoạch của huyện.

Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, năm 2022 là năm nhiều khó khăn bởi trước đó huyện đã dồn toàn lực cho công tác phòng, chống covid-19, vì vậy nhưng kết quả đạt được rất đáng phấn khởi, thể hiện sự quyết tâm rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và từng người dân. Trên cơ sở đó, năm 2023 này, huyện đã đề ra chirtieeu phấn đấu là: tổng giá trị sản xuất các ngành đạt 9.009 tỷ đồng. Trong đó: Nông - lâm - thủy sản 1.766 tỷ đồng; công nghiệp - xây dựng 4.988 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ 2.255 tỷ đồng; thu ngân sách đạt 135 tỷ đồng. Nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng: 44,6%; Giữ vững 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới; công nhận 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu, 02 vườn mẫu nông thôn mới.

Để đạt mục tiêu trên, huyện đã có những giải pháp ngay từ đầu năm, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, an toàn, phát triển bền vững; nghiên cứu phát triển mã số vùng trồng đối với các loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu như sầu riêng, mắc ca...; nhân rộng các mô hình cánh đồng lớn, chuỗi liên kết, các mô hình cây trồng có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, bảo đảm sinh kế cho người dân. Tập trung phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, hướng công nghiệp. Tăng cường quản lý nhà nước về công trình thủy lợi, khai thác tối đa năng suất các công trình tưới tiêu, phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng để tăng cường năng lực phát triển; thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm đặc trung của địa phương; phát triển sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ. Tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất. Tăng cường xúc tiến, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến nông, lâm sản; xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định; chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hoá sản phẩm.

Kêu gọi các nhà đầu tư và các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại địa phương như: Khu vực Hồ Trung tâm thị trấn Hai Riêng, điểm du lịch Đồi thông phía Tây Hồ Trung tâm và điểm du lịch văn hóa tại buôn Lê Diêm, thị trấn Hai Riêng,.... Xây dựng kế hoạch, ưu tiên đầu tư các điểm du lịch đã đăng ký trong Chương trình phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2022-2025 của UBND tỉnh.

Năm 2023 có ý nghĩa quan trọng đến việc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2020-2025, toàn huyện Sông Hinh nêu cao quyết tâm phấn đấu thức hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng quê hương Sông Hinh ngày càng ổn định và phát triển.


Tác giả: Văn Thùy
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 24
Hôm qua : 336
Tháng 03 : 21.125
Năm 2024 : 49.254