Nhân rộng mô hình sắn phủ bạt
Không tốn công chăm sóc, không lo úng thối, tiết kiệm nước tưới, năng suất tăng gấp đôi. Đây là những ưu điểm của mô hình trồng sắn phủ bạt đang được huyện Sông Hinh khuyến khích nhân rộng.
Tận dụng thời gian đất nhàn dỗi sau vụ dưa và vụ mè, trên diện tích 5 sào đất ven Sông Ba, ông Nguyễn Phú, thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, đã áp dụng kỹ thuật phủ bạt để trồng sắn. Sau gần 6 tháng, đến nay ông Phú đã thu hoạch để xuống giống vụ mới cho kịp thời vụ cùng các thửa đất xung quanh. Dù thời gian ngắn, giữa mùa mưa nhưng năng suất sắn vẫn cao vượt trội so với sắn trồng bình thường. Chỉ tay vào đám sắn củ mới nhổ, ông Nguyễn Phú nói: “Sắn đây phải 5 tấn. 5 tấn một sào, một hec năm chục tấn. Trồng không, sạch thì 1 tấn đến hai tấn rưỡi. Trồng bạt phải 4 tấn đến 5 tấn. Năm tấn mấy, sáu tấn cũng có. Chủ yếu mình cho ăn thêm thì nhiều hơn nữa”.
Hầu hết đất ở khu vực này với diện tích hơn chục hecta đã được người dân nơi đây áp dụng công nghệ trồng sắn phủ bạt. Những người trồng sắn phủ bạt ở đây cho biết, cùng một công cày, đất được đắp thành luống sau đó cán bằng, giữa luống đặt đường ống nước tưới nhỏ giọt. Phân bón cũng được hòa tan theo nước dẫn đều đến các gốc sắn. Do không tốn công làm cỏ, bón phân, nhẹ công khi thu hoạch, tiết kiệm được phân bón nên đầu tư cho một sào sắn phủ bạt cũng chỉ ngang bằng với đầu tư cho một sào trồng sắn bình thường. Bên cạnh đó, mô hình sắn phủ bạt hạn chế thất thoát nước do bay hơi. Việc duy trì độ ẩm tạo thuận lợi cho cây phát triển tốt, đủ sức chống trọi với dịch bệnh gây hại. Ông Phùng Xuân Thời, thôn Hà Giang, xã Sơn Giang, một người dân trồng sắn tại đây cho biết: “Trồng thông thường là hom nằm, còn trồng phủ bạt hom đứng. Hom đứng ưu điểm nó là mọc phải 99%. Về nếu trời mưa thì nó cũng không bị dập, vì nó trồng cắm, mưa vẫn chịu được vì chỉ có lỗ bạt nên không bị úng nước. Giữa các luống có rãnh để thoát nước tránh ngập. Rất là nhiều ưu điểm so với trồng thủ công”.
