• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Sông Hinh phấn khởi với cây mía

Những ngày này, trên khắp các tuyến đường, từ nội đồng, liên thôn, liên xã, đến đường quốc lộ liên tỉnh... tấp nập xe tải chở đầy ắp mía cây đổ về các nhà máy đường.

Diện tích mía phát triển nhanh ở vùng đồng bào DTTS. Ảnh V. Thùy
Năm nay, các nhà máy đường truyền thống với vùng nguyên liệu tại địa bàn tiếp tục có những chính sách hợp lý, như hợp đồng đầu tư, bao tiêu nguyên liệu với giá ổn định, tạo điều kiện tốt nhất cho người trồng mía.
Chúng tôi về xã Ea Ly giữa mùa thu hoạch mía, được chứng kiến niềm vui của người nông dân với một mùa mía ngọt. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ly Hoàng Ðình Năm cho biết, niên vụ này xã Ea Ly có diện tích mía cao nhất huyện Sông Hinh với 2.050 ha.
Từ một xã đặc biệt khó khăn, đến nay Ea Ly trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông thôn mới và được Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên có quyết định công nhận đạt các tiêu chí đô thị loại 5 vào cuối năm 2024.
 “Thực hiện nghị quyết của Ðảng ủy xã nhiệm kỳ qua, xã đã vận động người dân chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, hiệu quả, đã góp phần đưa kinh tế địa phương phát triển nhanh chóng. Trong đó, cây mía được xem là cây trồng chủ lực. Từ vài trăm héc-ta, đến niên vụ này diện tích mía đã đạt hơn 2.000 ha. Cây mía đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân...”, Chủ tịch Hoàng Ðình Năm, nói.
Tại các buôn đồng bào dân tộc thiểu số như buôn Zô, Tân Lập, Tân Yên, nếu như trước đây lao động địa phương phải đi làm thuê, làm mướn nơi khác, thì hiện nay cây mía đã giữ chân họ lại. Các khâu chặt mía, bốc mía, trồng mía… đều do lao động tại chỗ đảm nhận.
Nhiều hộ gia đình nhờ trồng mía đã vươn lên khá giả, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm rõ rệt. Ðến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của xã Ea Ly chỉ còn 1,67%, xã phấn đấu cuối năm 2025 giảm số hộ nghèo xuống còn dưới 1%.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Đinh Ngọc Dạn, những năm gần đây, địa phương phát triển mạnh cây mía. Niên vụ 2024 - 2025, toàn huyện có 7.734 ha, tăng 21,7% so với niên vụ 2023 - 2024, trong đó các xã có diện tích mía lớn là Ea Ly, Ea Bá, Ðức Bình Tây, thị trấn Hai Riêng, Ea Lâm…
Ðể giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, huyện duy trì hoạt động Ban điều hành mía đường, bám sát chỉ đạo lĩnh vực này. Vùng nguyên liệu được gắn với 02 nhà máy đường (tổng công suất 14.000 tấn/ngày) của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn Ấn Ðộ) và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa.
Nhiều năm qua, địa phương đã phối hợp với các nhà máy vận động người dân mở rộng diện tích trồng mía, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Huyện đã khuyến khích và có những chính sách đầu tư cho nông dân áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, như trồng mía có tưới, đưa máy móc vào khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đã đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích.
Ðể bảo đảm lợi ích hài hòa giữa công ty với người trồng mía, nhiều năm qua, các nhà máy đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho vùng nguyên liệu và có nhiều chính sách liên kết với nông dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía.
Ðại diện Công ty KCP cho biết, hiện nay công ty thu mua mía nguyên liệu với mức giá 1,35 triệu đồng/tấn đối với mía đạt 10 chữ đường. Hiện công ty cho người dân vay vốn không lãi suất hơn 500 tỷ đồng để trồng mía với diện tích 7.000 ha.
Ngoài ra, hằng năm, công ty chi khoảng 60 tỷ đồng để giúp người dân trong khâu làm đất trồng mía. Công ty đã đầu tư thiết bị hiện đại, hỗ trợ thu hoạch mía, giúp nông dân tiết kiệm được 60.000 đồng/tấn so với thu hoạch thủ công…
Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Ea Ly cho biết, niên vụ 2024 - 2025, gia đình trồng hơn 5ha mía. Nhờ thời tiết thuận lợi, cây mía phát triển tốt, năng suất trung bình đạt hơn 70 tấn/ha. Khi thu hoạch còn được Công ty KCP hỗ trợ máy gắp mía lên xe tải (thay vì thuê nhân công bốc xếp lên xe), nhờ đó giảm được 50% chi phí.
Không chỉ đạt năng suất ổn định, cây mía hiện được các nhà máy đường trên địa bàn thu mua với giá cao. Nếu như năm 2024, mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường được mua với giá 1,3 triệu đồng/tấn thì hiện nay mía được thu mua với giá 1,35 triệu đồng/tấn (cao hơn 50.000 đồng/tấn).
Ông Ðinh Ngọc Dạn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Hinh cho biết, thời gian qua, huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước và của doanh nghiệp trong đầu tư, hỗ trợ liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía; vận động, tuyên truyền các tổ chức, hộ gia đình tiếp tục duy trì diện tích mía hiện có, mở rộng diện tích mía ở những nơi phù hợp bảo đảm vùng nguyên liệu tập trung; phối hợp với các công ty mía đường phổ biến công khai, minh bạch chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu mía, tạo đồng thuận và lòng tin cho người dân tham gia liên kết trồng mía...

Tác giả: Trình Kế
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Cây danh mục
Cây danh mục
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang thành phần
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 1
Hôm nay : 275
Hôm qua : 241
Tháng 04 : 10.691
Năm 2025 : 39.475