Ổn định các điểm giao dịch – Tạo thuận lợi tối đa cho người dân vùng sáp nhập
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Sông Hinh giữ nguyên mạng lưới, đảm bảo phục vụ người dân sau khi chuyển đổi mô hình chính quyền
Sáng ngày 5/7/2025, tại trụ sở Đảng ủy và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đức Bình (xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cũ), Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Sông Hinh – thuộc tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức phiên giao dịch đầu tiên sau khi chính thức thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
.jpg)
Cán bộ NHCSXH Sông Hinh trao đổi với người dân xã Đức Bình về vốn vay CSXH
Phiên giao dịch diễn ra trong không khí tập trung, nghiêm túc và nhận được sự quan tâm, tham gia tích cực của đông đảo người dân, đặc biệt là các hộ vay vốn chính sách, các tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn.
Giữ ổn định mạng lưới – Ưu tiên sự thuận tiện của người dân
Đáng chú ý, dù địa giới hành chính đã thay đổi sau chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, Phòng Giao dịch NHCSXH Sông Hinh vẫn giữ nguyên 11 điểm giao dịch xã, thị trấn như trước khi sáp nhập. Đây là nỗ lực rõ rệt nhằm đảm bảo tính ổn định, liên tục trong hoạt động tín dụng chính sách, đồng thời giảm thiểu tối đa xáo trộn cho người dân khi đến giao dịch.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Sông Hinh cho biết: "Người dân đã quen thuộc với các điểm giao dịch cũ. Nếu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển, thời gian, và thậm chí là cả tâm lý tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Vì vậy, việc giữ nguyên các điểm giao dịch là ưu tiên hàng đầu của đơn vị chúng tôi, nhằm đảm bảo mọi người dân vẫn được tiếp cận dịch vụ tài chính một cách thuận lợi nhất."

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH Sông Hinh Huỳnh Ngọc Ẩn trao đổi thông tin với các Hội đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ trưởng Tổ TK&VV
Điểm đặc biệt là mặc dù chuyển sang trực thuộc tỉnh Đắk Lắk sau điều chỉnh địa giới, Phòng Giao dịch vẫn tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã để duy trì lịch giao dịch theo định kỳ, đảm bảo đủ các hoạt động nghiệp vụ như trước đây.
Hoạt động ổn định, hiệu quả – Không gián đoạn sau sáp nhập
Tại điểm giao dịch Đức Bình Tây, các hoạt động nghiệp vụ diễn ra đầy đủ và nghiêm túc: Kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; Thẩm định hồ sơ vay mới, giải ngân vốn cho các hộ đủ điều kiện; Thu lãi, thu nợ đến hạn và huy động tiền gửi tiết kiệm; Phổ biến chính sách mới, cập nhật quy định mới về tín dụng chính sách.
Bà Phan Thị Hồng Diễm, Chủ tịch Hội Nông dân Đức Bình chia sẻ: “Sau khi biết xã chuyển về tỉnh Đắk Lắk, mọi người có chút băn khoăn, sợ thủ tục sẽ thay đổi, phải đi xa hơn. Nhưng nay mọi thứ vẫn giữ nguyên, cán bộ ngân hàng vẫn làm việc như cũ, hướng dẫn tận tình”.

Bà Phan Thị Hồng Diễm, Chủ tịch Hội Nông dân Đức Bình phát biểu tại phiên giao dịch
Trong khi đó, ông Phạm Xuân Thương, một hộ dân vay vốn chăn nuôi, bày tỏ sự hài lòng: “Tôi thấy cán bộ ngân hàng về tận xã, không thay đổi địa điểm, không bắt người dân đi đâu cả. Như vậy rất thuận tiện. Giữ nguyên những điểm giao dịch như thế này giúp bà con hạn chế việc đi lại, an toàn giao thông, an toàn tài sản tiền bạc của bà con khi đến giao dịch. Chúng tôi thấy rất yên tâm. Chúng tôi mong cứ duy trì mãi như vậy.”
Theo lãnh đạo Phòng Giao dịch, ngay sau khi địa giới hành chính thay đổi và đơn vị chính thức chuyển về tỉnh Đắk Lắk, cán bộ ngân hàng đã chủ động phối hợp với chính quyền các xã để rà soát cơ sở vật chất, lên lịch giao dịch, thống nhất phương án đảm bảo an ninh – an toàn trong quá trình phục vụ người dân.
Duy trì ổn định nguồn vốn – Hơn 8.100 hộ dân đang còn dư nợ
Phòng Giao dịch NHCSXH Sông Hinh hiện đang phụ trách địa bàn 4 xã gồm: Sông Hinh, Ea Bá, Ea Ly và Đức Bình, với tổng dư nợ đạt 520 tỷ đồng. Toàn địa bàn có 214 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động, phục vụ hơn 8.151 hộ dân còn dư nợ.
Đây là con số rất ấn tượng, thể hiện rõ vai trò quan trọng của Ngân hàng Chính sách trong việc giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người dân đầu tư sản xuất, vươn lên thoát nghèo và cải thiện đời sống.
Trong đó, các chương trình tín dụng chiếm tỷ trọng lớn gồm: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay nước sạch – vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay học sinh – sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có cả chương trình nhà ở xã hội.
Giám đốc Huỳnh Ngọc Ẩn nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định hoạt động tín dụng chính sách không chỉ là cho vay, mà còn là tạo động lực để người dân khởi nghiệp, phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, bên cạnh việc giữ ổn định điểm giao dịch, cán bộ ngân hàng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát sử dụng vốn, kịp thời hỗ trợ các hộ gặp khó khăn hoặc cần tư vấn. Bên cạnh đó không ngừng nâng cao chất lượng quản lý nguồn vốn vây, ứng dụng công nghệ trong các phiên giao dịch, thực hiện các giao dịch trên áp của ngân hàng”.

Hoạt động giao dịch vốn vay tại điểm giao dịch Đức Bình Tây