• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia

Du lịch bền vững là một khái niệm, một phạm trù nghiên cứu tương đối mới trong quá trình định hướng và phát triển du lịch ở các địa phương khi triển khai, thực hiện. Đã có nhiều mô hình hiệu quả và bài học kinh nghiệm từ thực tế mang lại cho thấy bên cạnh những thành tựu đạt được của ngành công nghiệp không khói thì không ít hệ lụy nghiêm trọng cần phải thay đổi tư duy trong công tác quản trị đối với lĩnh vực này, đặc biệt là những địa phương đang tập trung xây dựng và phát triển du lịch.

Giới thiệu sản phẩm du lịch buôn Lê Diêm

 

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng về phát triển  miền núi đã nêu rõ “Khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái”, để cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tế của mỗi địa phương cần xây dựng một chiến lược và quy hoạch dài hạn phát triển du lịch theo hướng bền vững tạo tiền đề cho sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội….là điều kiện cần để gắn kết chặt chẽ với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội phê duyệt, trọng tâm là: Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã lan tỏa và tác động tích cực đến phát triển du lịch trên nền tảng chuyển đổi số góp phần quảng bá hình ảnh và hứa hẹn tương lai đối với phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững….Cần hiểu rõ hơn về phát triển du lịch bền vững chúng ta có cái nhìn tổng quan, khái quát về loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa để định hướng phát triển phù hợp cho từng địa phương, khu dân cư. Tại điều 3 Luật du lịch năm 2017 giải thích rõ:

Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường.

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị về văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi.

Du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại.

Đặc điểm và tính chất nổi bật du lịch bền vững là bản chất của nó chứa đựng những đặc trưng cho sự phát triển du lịch bền vững nhằm giúp du khách thỏa mãn nhu cầu trải nghiệm, hòa mình vào với cảnh quan, thiên nhiên và cuộc sống yên bình của vùng quê, giảm chi phí. Du khách có cơ hội lưu trú, tìm hiểu về thiên nhiên, lối sinh hoạt của người dân bản địa, khai thác những giá trị văn hóa, truyền thống vùng miền, các trò chơi dân gian hấp dẫn và thưởng thức các đặc sản ẩm thực truyền thống làng quê tạo cảm giác thân thiện, thư giãn cho du khách và không gian giao thoa giữa con người với thiên nhiên, giữa bản sắc truyền thống với giá trị của xu hướng hiện đại góp phần giảm thiểu tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, môi trường mang lại lợi ích nhiều hơn cho địa phương, cộng đồng dân cư trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và lao động, tạo thêm nhiều việc làm mới có thu nhập cao, tích cực bảo tồn các di sản tự nhiên, bản sắc văn hóa. Khuyến khích người dân tham gia quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống mưu sinh của họ và tạo dựng niềm tin, niềm tự hào để giữ chân giới trẻ.

 

Phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ hữu cơ với phát triển bền vững mà trọng tâm là gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, tự nhiên… Năm 1992 Tổ chức du lịch thế giới đã nhận định “Du lịch bền vững nhằm thỏa mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”. Trên thực tế những năm qua có không ít địa phương, cộng đồng dân cư khi phát triển du lịch nóng vội thiếu định hướng về lợi ích và tác động của du lịch, các nguyên tắc bất biến để cấu thành các hoạt động du lịch gây lãng phí, kém hiệu quả. Một số địa phương, cộng đồng dân cư phải trả giá đắc từ vấn đề này qua cái nhìn thiển cận, thiếu bao quát trong đánh giá để xây dựng và phát triển du lịch theo hướng bền vững, điển hình như:

- Tư duy về du lịch bền vững: Thiếu tính sáng tạo, dập khuôn, suy diễn theo ý chí chủ quan của người đứng đầu tổ chức, kiểu thấy gì làm nấy, chưa đánh giá đúng sự phát triển du lịch một cách logic, khoa học để xác định ưu tiên phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và ngành bổ trợ phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương, vùng để thu hút đầu tư, kinh doanh. Công tác phát triển du lịch thiếu gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, nghị quyết các cấp ủy Đảng để đẩy mạnh xã hội hóa, rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện, tiến tới quảng bá hình ảnh du lịch địa phương có sự hiện diện của nông thôn mới và mô hình khu dân cư tự quản.

- Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch: Chưa gắn kết chặt chẽ với mục tiêu, định hướng phát triển của địa phương nên dẫn đến đầu tư dàn trải, nửa vời thiếu trọng tâm, trọng điểm và bền vững; chưa chú trọng khai thác triệt để các lợi thế từ tự nhiên, tập quán, truyền thống của người dân bản địa, các cung bậc cảm xúc của thời gian, không gian tại các điểm check in (sống ảo) để kết hợp hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo làm thỏa mãn nhu cầu và giữ chân du khách.

- Về công tác quản lý du lịch: Thiếu chặt chẽ và đồng bộ dẫn đến nhiều hoạt động du lịch tự phát manh mún làm phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, gây bất đồng cho người dân bản địa. Các hoạt động và sản phẩm du lịch thiếu bền vững không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của du khách ở hiện tại và hứa hẹn tương lai. Chưa khai thác và phát huy hết các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của cư dân địa phương; những kỹ năng, đặc tính của cá nhân bản địa để phát huy, khuyến khích cộng đồng tham gia; Những rào cản vô hình, trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện hành lang pháp lý, tạo dựng nguồn vốn ưu đãi cho cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch chưa được chú trọng…Bên cạnh đó, cùng với ý thức, trách nhiệm của cộng đồng và chính quyền địa phương chưa cao trong việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị kiến trúc, không gian sống để tránh làm phá vỡ cảnh quan khi quy hoạch, xây dựng.

 

Từ những khái quát trên huy vọng góp phần hữu ích để làm cơ sở cho công tác triển khai và định hướng phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trên địa bàn huyện Sông Hinh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra: “Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, đầu tư, cải tạo, kết nối những thắng cảnh đẹp làm cơ sở đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch sinh thái” mục đích và ý nghĩa của những loại hình du lịch này được hiểu là thưởng ngoạn, tìm hiểu nét đẹp thiên nhiên, những giá trị văn hóa truyển thống, các lễ, hội, sử thi, truyền thuyết dân gian … được lưu giữ, bảo tồn và phát triển. Đồng thời thể hiện thái độ ứng xử mang tính trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường; giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển và tôn trọng văn hóa địa phương, thúc đẩy phát triển nghề truyền thống. Việc hiện thực hóa phát triển du lịch trong thời gian tới thì công tác quản lý, quản trị du lịch địa phương cần tập trung phân tích, xác định rõ lợi thế và giải quyết triệt để các mối quan hệ tương tác giữa trách nhiệm, lợi ích và tác động của du lịch, những điểm nghẽn, nút thắt trong thực hiện.

Nét đẹp tạo hóa cho Sông Hinh, là một huyện miền núi nằm phía tây tỉnh Phú Yên, là cữa ngõ giáp ranh với các tỉnh Tây nguyên có địa hình đồi núi, sông hồ, gềnh thác, khe trắp và cảnh quan được thiên nhiên ưu đãi tạo nên bức tranh thủy mặc hữu tình, hùng vĩ; là nơi lưu giữ chứng cứ lịch sử căn cứ địa cách mạng và những vết tích truyền thuyết của người Êđê, Ba na …; nơi giao thoa giữa đồng bằng với miền núi, giữa tây nguyên và duyên hải miền trung nên có khí hậu quanh năm mát mẻ, se lạnh về đêm. Sự kết hợp hài hòa giữa bản sắc văn hóa của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn và sự đan xen các tập quán phong phú, đa dạng, phát triển trong canh tác và đời sống sinh hoạt hàng ngày; tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 47,76% dân số. Cùng với nền văn hóa truyền thống của các dân tộc di cư thì văn hóa Cồng Chiên gắn với các lễ, hội, tập quán, ẩm thực của đồng bào bản địa được xem là nét đặc trưng của giá trị văn hóa miền núi. Cơ sở hạ tầng giao thông, kỷ thuật thuận lợi để kết nối các vùng, miền và khai thác các phương tiện, dịch vụ du lịch. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng phát triển từ những thành quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… góp phần tạo dựng cơ sở, niềm tin để tiếp tục thực hiện thành công Đề án phát triển du lịch của huyện theo hướng du lịch xanh và bền vững. Do vậy trước hết cần tập trung quán triệt sâu rộng những định hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong huyện để thực sự đi vào cuộc sống:  

Một là, cần tăng cường hơn nữa sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục và vận động các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc và vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ trương bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc, di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với kế hoạch phát triển du lịch của huyện giai đoạn 2020 – 2025 và những năm tiếp theo để tạo sự nhất quán, đồng bộ trong triển khai, thực hiện. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận, các tổ chức thành viên mặt trận các cấp trong việc phối hợp, lồng ghép thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động với nhiệm vụ phát triển du lịch và bảo vệ những tư duy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để khuyến khích những nhân tố mới tích cực, đổi mới, đột phá trong vận dụng chủ trương, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn địa phương.

Hai là, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả và đổi mới tư duy trong công tác quản lý, quản trị và đầu tư xây dựng phát triển du lịch của chính quyền các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, đảm bảo về trình độ, năng lực chuyên môn, văn minh phục vụ và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu, thưởng ngoạn của du khách theo hướng chân, thiện, mỹ. Tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn nhân lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỷ thuật phục vụ du lịch gắn với quy hoạch đô thị và xây dựng nông thôn mới; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa đầu tư lâu dài, đầu tư ngắn hạn có định hướng để tránh nóng vội, lãng phí, thiếu công khai minh bạch và hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các thiết chế văn hóa để phòng ngừa, giảm thiểu những tác động tiêu cực của văn hóa hội nhập trong quá trình bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, đồng thời thực hiện nghiêm những điều kiện bất biến trong phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững như giữ gìn giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, chia sẻ lợi ích, lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu để tránh phát triển tự phát.

Ba là, Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi  phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa phương, chú trọng gia tăng giá trị và tỷ trọng các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Phải xác định rõ định hướng, trách nhiệm cho việc  phát triển ngành kinh tế mũi nhọn và ngành bổ trợ để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư và cộng đồng dân cư tham gia phát triển kinh tế gắn với phát triển du lịch để tạo động lực thúc đẩy và khơi dậy tinh thần sáng tạo, ý chí khát vọng vươn lên cùng phát triển. Kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh và chất lượng môi trường sống. Có giải pháp hữu hiệu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng, kết hợp xây dựng các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đầu tư bảo tồn, xây dựng, phát triển các làng nghề, đặc sản truyền thống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm; tôn tạo, bảo vệ các điểm thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái, khuyến khích mở cữa tham quan các công trình, thành quả của công cuộc đổi mới và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước như các nhà máy, trang trại, phòng trưng bày, nhà sinh hoạt văn hóa gắn với tổ chức các sự kiện để phục vụ đa dạng du khách và điều kiện cho phát triển các loại hình dịch vụ du lịch.

Bốn là, quan tâm đầu tư xây dựng nguồn nhân lực quản trị và dịch vụ du lịch có chất lượng cao nhất là đội ngũ quản lý, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghệ nhân, lực lượng lao động du lịch; thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa, di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc. Tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số, tăng cường công tác dự báo, xúc tiến, quảng bá, hợp tác du lịch để kết nối và khai thác hiệu quả tuyến du lịch hành lang đông tây. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch và có chính sách đại ngộ tạo điều kiện cho các nghệ nhân, nghệ sĩ nghiệp dư, cá nhân tiêu biểu tích cực bảo tồn, sáng tác phản ảnh đời sống, tập quán của người dân góp phần làm nhân tố tích cực cho mục tiêu phấn đấu cùng với phát triển du lịch phú yên đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (Lê Ngọc Thiện)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Cây danh mục
Cây danh mục
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang thành phần
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 11
Hôm qua : 333
Tháng 09 : 6.475
Năm 2024 : 155.869