• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển du lịch Sông Hinh gắn với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội

Sông Hinh là huyện có vùng dân tộc và miền núi rộng lớn, chiếm trên 3/4 diện tích tự nhiên toàn huyện; có 11 xã, thị trấn.

Công viên 25/2 nhìn từ trên cao

 

Với diện tích đất tự nhiên 88.663,97 ha, Sông Hinh là vùng đất rất có tiềm năng để phát triển du lịch đặc biệt là du lịch sinh thái gắn phát triển du lịch văn hoá lịch sử với các lễ hội truyền thống, du lịch mạo hiểm, tắm suối. Tuy nhiên, hiện thế mạnh đó chưa được khai thác một cách hiệu quả mà người ta vẫn hay nói một cách văn chương rằng "như nàng công chúa ngủ trong rừng". Chúng ta chưa biết cách đánh thức tiềm năng mà biểu hiện rõ nhất ở đời sống của người dân, nhất là các dân tộc thiểu số. Cái nghèo vẫn đeo đẳng và không thoát ra được khỏi các bản làng vùng miền núi này. Nhiều vùng cũng đã biết phát triển kinh tế xã hội từ việc khai thác tiềm năng du lịch, song nguy cơ tái nghèo còn đang hiện hữu do du lịch chưa thật sự phát triển một cách bền vững. Có thể nói rằng, vấn đề con người, cơ sở hạ tầng, các điều kiện tự nhiên chính là những nhân tố cơ bản, quan trọng tác động trực tiếp tới việc khai thác những giá trị kinh tế từ du lịch. Hơn nữa, đây còn là khu vực mà hệ thống điện - đường - trường - trạm còn yếu và lạc hậu. Đây là những khó khăn rất lớn trong quá trình phát triển du lịch.

Là một huyện có 03 công trình thuỷ điện nằm trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi để triển khai thực hiện dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với xoá đói giảm nghèo bền vững mang tính tổng hợp để giúp nhân dân ổn định đời sống, xoá đói giảm nghèo cho các xã nghèo của huyện miền núi là nhu cầu hết sức cần thiết.

Ngoài ra, để phát triển lĩnh vực du lịch sinh thái ở Sông Hinh, chúng ta cần đầu tư mạnh hơn cho các mô hình trang trại như: Trang trại vườn cây ăn trái kết hợp mô hình ao cá, trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp, trang trại cây công nghiệp dài ngày chất lượng cao…, để du khách đến tham quan học tập trao đổi kinh nghiệm và thưởng thức các món ăn truyền thống. Tuy nhiên, việc đầu tư phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp nói riêng; nếu đầu tư thiếu quy hoạch thì không phát huy hiệu quả tổng thể của đầu tư, dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu tập trung. Phối kết hợp giữa đầu tư tập trung và đầu tư theo hướng xã hội hóa. Trong đó đầu tư tập trung chủ yếu giải quyết các vấn đề lớn như cải thiện, nâng cấp, phát triển hệ thống hạ tầng du lịch và có liên quan đến du lịch. Đầu tư theo hướng xã hội hóa để giải quyết các vấn đề cho phạm vi không lớn, tạm thời và thích ứng với từng khu vực nhất định, phát huy hiệu quả trong từng không gian nhỏ.

Bên cạnh đó, cần đầu tư cho các nhà máy chế biến cũng như các công trình phụ trợ đi kèm để tạo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Trên thực tế, khu vực huyện Sông Hinh mới có 02 nhà máy chế biến nông sản (Công ty cổ phần tinh bột sắn FOCOCEV và nông trường cà phê Eabá). Việc đầu tư phải hướng đến một trong những mục tiêu quan trọng của du lịch là kéo dài thời gian lưu trú thông qua việc đa dạng hóa các dịch vụ có tính truyền thống trong các loại hình dịch vụ, đồng thời bổ sung thêm dịch vụ mới.

Từ thực tế phát triển ở địa phương, muốn phát huy tốt tiềm năng du lịch sinh thái gắn với mô hình sản xuất nông lâm nghiệp bền vững, lãnh đạo huyện cần đẩy mạnh mời gọi đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch, hạn chế việc phát triển theo lối tự phát như hiện nay để xây dựng huyện Sông Hinh thành làng du lịch sinh thái mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đồng bào Tây nguyên; ngành chức năng cần tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao nhận thức cộng đồng, trang bị kiến thức cần thiết cho cộng đồng để tham gia giữ gìn môi trường sinh thái, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Sông Hinh giàu tiềm năng du lịch sinh thái, các loại hình du lịch đa dạng. Để  phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế xã hội của huyện trong thời gian đến chúng ta cần làm tốt một số công việc sau:

- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch (bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, tắm suối, lịch sử văn hoá, du lịch tham quan vui chơi giải trí gắn với phát triển làng nghề...) trên cơ sở khai thác tốt lợi thế và tiềm năng du lịch của huyện. 

- Một số địa phương có khả năng phát triển du lịch sinh thái như: Xã Ealy, xã Sông hinh, xã Đức Bình Đông… Bên cạnh đó, chúng ta cần đầu tư các mô hình du lịch vừa tắm suối, tham quan các vườn cây ăn quả chất lượng cao, các vườn cây lâm nghiệp, câu cá và các món ăn ẩm thực truyền thống; kết hợp với tôn tạo các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hiện có ở địa phương và phát huy các bản sắc văn hoá của một số đồng bào ở địa phương.

- Đầu tư một số trang trại chăn nuôi các loại động vật rừng như cá sấu, heo rừng, Nhím, hươu, nai …

- Đối với cụm du lịch sinh thái Đức Bình Tây, Đức Bình Đông, Sơn Giang:  Cần đầu tư phát triển du lịch sinh thái, lịch sử văn hoá với phát triển các làng nghề.

- Đối với cụm du lịch EaBia, EaTrol, Sông Hinh cần đầu tư phát triển du lịch sinh thái, tắm suối, câu cá gắn với lễ hội truyền thống của người dân địa phương.

- Đối với cụm du lịch EaBá, Ealâm, Ealy, Eabar: Cần đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tham quan các mô hình cây công nghiệp dài ngày như ca cao, cao su, chăn nuôi nhím, heo rừng, hươu, nai … vui chơi giải trí gắn với ẩm thực - các món ăn truyền thống của địa phương và phát triển nghề dệt thổ cẩm của một số đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc.

- Đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, có bước đi thích hợp, kết hợp chặt chẽ đầu tư xây dựng mới với khai thác có hiệu quả các điều kiện sẵn có. 

- Tập trung khai thác thế mạnh của du lịch nội địa, nhanh chóng tạo ra nhiều vùng, nhiều tuyến, điểm du lịch trọng điểm hấp dẫn khách trong nước và nước ngoài. 

- Đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch rõ nét cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy tiềm năng, lợi thế; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc; cải thiện mức sống của nhân dân; củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

- Tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao, chú trọng chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát huy tiềm năng thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường, sinh thái.

- Tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc về giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, từng bước giảm dần khoảng cách về trình độ phát triển và mức sống giữa các vùng, khu vực. Ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, kiểm soát có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách các thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước ở các cấp, ngành. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

                                                                                                        Nguyễn Khắc Sự


Nguồn:Báo Phú Yên Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 0
Hôm nay : 322
Hôm qua : 3.419
Tháng 04 : 13.774
Năm 2024 : 63.733