Tăng cường tiếng Việt- Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số
Là địa bàn miền núi, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 57%, những năm qua ngành giáo dục huyện Sông Hinh đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường tiếng Việt, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS).
Hoạt động ngoài trời tại Trường Mẫu gióa Ea Bar
QUAN TÂM TỪ BẬC MẪU GIÁO
Trường mẫu giáo Ea Bar (xã Ea Bar) có phần lớn các cháu là người dân tộc thiểu số. Thực hiện chương trình tăng cường tiếng Việt cho học sinh, hàng ngày, các cháu mẫu giáo ở đây được tham gia nhiều hoạt động cả ở trong lớp học và ngoài lớp học như biểu diễn văn nghệ, thi nặn bột, xếp nhà, nghe kể chuyện cổ tích, đá bóng, bán hàng, hát đồng dao; tham gia các hoạt động giới thiệu, biểu diễn văn hóa địa phương như nhà rông, gùi, rựa, trang phục, cồng chiêng, a ráp… Cô Lê Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Ea Bar cho biết: “Các hoạt động, trò chơi phù hợp với trẻ, tạo được hứng thú, kích thích, thu hút trẻ tham gia. Từ các hoạt động này, các cô giáo hướng dẫn, khuyến khích trẻ giao tiếp, khám phá bằng tiếng Việt, nhờ đó đã giúp trẻ tiếp cận với vốn từ tiếng Việt được nhiều hơn, kỹ năng nghe nói của trẻ ngày càng tốt hơn”.
Còn tại Trường Mẫu giáo Ea Lâm (xã Ea Lâm), với 98% học sinh là người dân tộc thiểu số, ngoài việc giúp trẻ tiếp cận với tiếng Việt thông qua các hoạt động vui chơi, nhà trường đã có nhiều sáng tạo để trẻ làm quen với các chữ cái. Cô Nguyễn Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Ea Lâm cho hay: Các cô giáo đã lấy những ống hút nhiều màu sắc cắt thành đoạn ngắn rồi hướng dẫn trẻ xếp hình theo chữ cái, dấu thanh. Quá trình vui chơi các cô luôn gần gũi, động viên, khen ngợi, các em rất thích thú và thi đua ngày càng tiến bộ.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Chuyên viên phụ trách bậc mẫu giáo Phòng GD&ĐT huyện Sông Hinh cho biết: “Trẻ DTTS sinh sống trong môi trường thuần tiếng mẹ đẻ, vốn tiếng Việt của trẻ rất hạn chế, nếu chúng ta không tăng cường tiếng Việt cho trẻ thì nguy cơ thiếu hụt ngôn ngữ giao tiếp của trẻ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiếp cận, lĩnh hội các kiến thức ngay khi vào lớp 1. Vì vậy chương trình tăng cường tiếng Việt được hầu hết các trường mẫu giáo trên địa bàn huyện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện, chất lượng dạy và học tiếng Việt trong bậc mẫu giáo cũng ngày một nâng cao hơn”.
Học sinh tiểu học trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ea Bia tham gia ngoại khóa
RÈN KỸ NĂNG GIAO TIẾP BẰNG TIẾNG VIỆT TỪ GIA ĐÌNH
Dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS được tăng cường hơn ở cấp tiểu học trên địa bàn huyện. Điển hình như ở Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ea Bia (xã Ea Bia). Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của tiếng Việt trong giáo dục học sinh DTTS, thời gian qua, Trường tiểu học Ea Bia đã có nhiều đổi mới phương pháp dạy tiếng Việt với quy tắc con số 3, đó là giáo viên lớp 1, 2, 3 nắm chắc và vận dụng hiệu quả ba bước: hướng dẫn- làm mẫu- thực hành; đồng thời sử dụng linh hoạt bốn loại hình trực quan hành động: cơ thể, đồ vật, tranh ảnh, câu chuyện. Trong đó yêu cầu tạo động cơ, hứng thú, say mê, yêu thích học tiếng Việt cho học sinh luôn được đặt lên hàng đầu. Cô Huỳnh Thị Thu Thảo, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ea Bia cho biết: Nhà trường tạo môi trường học tập rất thân thiện với các em; quá trình học không quá quan tâm đến điểm số mà động viên bằng các bông hoa, cuối tuần khen những bông hoa học tốt, đồng thời khích lệ các em chưa có. Nhờ đó các em đến lớp đều hơn, chịu khó đọc bài nhiều hơn, việc tăng tiếng Việt hiêu quả hơn”
Theo thầy Trần Đình Nhất, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Hinh, xác định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS, ngay sau khi UBND tỉnh Phú Yên ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, Phòng Giáo dục đã Tham mưu cho UBND huyện đề ra kế hoạch tăng cường tiếng việt cho học sinh DTTS với một số nội dung cụ thể như: chỉ đạo bậc mầm non và tiểu học xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt, dạy tiếng việt cho trẻ trước khi vào lớp 1 vào tháng 8 hàng năm; phân công giáo viên tâm huyết, kinh nghiệm phụ trách lớp 1; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng thời lượng phụ đạo cho các học sinh yếu về tiếng Việt; đổi mới phương pháp dạy học; thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Giao lưu tiếng Việt của chúng em, thi kể chuyện Bác Hồ, phát thanh chương trình măng non; thi văn nghệ giữa các lớp, múa hát giữa giờ ra chơi, thi sáng tác truyện tranh… nhờ vậy chất lượng học sinh học môn tiếng Việt được nâng cao rõ rệt, học sinh DTTS ngày càng yêu thích môn tiếng Việt hơn; tỷ lệ học sinh DTTS hoàn thành môn tiếng Việt đạt trên 97% trở lên, học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt từ 99,7% đến 100%, tỷ lệ học sinh DTTS đọc thông thạo tiếng Việt ở các khối lớp từ 95-97%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh KSor Y Phun cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện rất tốt công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS, tuy nhiên ở gia đình, cộng đồng, đặc biệt là ở những thôn, xã thuần đồng bào dân tộc, môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tiếng Việt của các em. Để khắc phục hạn chế này, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền, đặc biệt là các thôn, buôn, gia đình sử dụng song ngữ, tạo điều kiện cho trẻ rèn kỹ năng giao tiếp.
“Sau đề án, huyện Sông Hinh tiếp tục đẩy mạnh công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS. Tuy nhiên, vai trò của phụ huynh, cộng đồng trong công tác tăng cường tiếng Việt là hết sức quan trọng, nếu phụ huynh, cộng đồng nhận thức được việc này và chủ động nói chuyện với các em bằng tiếng Việt ở nhà sẽ giúp các em tự tin hơn trong giao tiếp bằng tiếng Việt”- Phó Chủ tịch KSor Y Phun khẳng định.