GÓP PHẦN GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ TẤM ÁO DÀI VIỆT NAM
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có những văn hóa, nét đặc trưng của từng vùng miền và trang phục truyền thống riêng. Phụ nữ Nhật tự hào với Kimono, phụ nữ Hàn Quốc nổi tiếng với Hanbok, phụ nữ Ấn Độ để lại cho ta ấn tượng rất đặc biệt với bộ Sari…Còn nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhớ ngay tới hình ảnh của một dải đất trù phú, tươi tốt với những cánh đồng lúa chín vàng thẳng cánh cò bay, nhớ tới những cô gái với đôi má hây hây, khuôn mặt bầu bầu đáng yêu, với giọng nói ngọt ngào dễ mến. Và có một thứ không thể không nhắc tới, đó chính là tà áo dài - biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, cũng là quốc phục của đất nước này. Chiếc áo dài có một bề dày lịch sử từ khi nó ra đời (sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) cho đến tận ngày nay.
Hình ảnh nữ công đoàn viên xã Ea Ly trong giờ giải lao của một hội nghị
Thực hiện Công văn số 42/LĐLĐ ngày 16/2/2023 của LĐLĐ tỉnh Phú Yên về tổ chức các hoạt động trong “Tuần Lễ áo dài” năm 2023 từ ngày 01/3/2023 - 08/3/2023. Công Đoàn cơ sở xã Ea Ly khuyến khích nữ đoàn viên mặc áo dài trong các ngày làm việc. Đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa, là dịp để tôn vinh tà áo dài Việt Nam và khẳng định nét đẹp truyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay vì Áo dài trong văn hóa và đời sống của người Việt có một vị trí trọng yếu. Bởi nó đã gắn bó với người phụ nữ Việt Nam, trở thành biểu tượng cho phẩm chất, nét đẹp của họ từ bao đời. Chúng ta dễ dàng bắt dặp người con gái Việt Nam trong trang phục áo dài trở nên xinh xắn, đáng yêu, thướt tha và thanh lịch hơn trong mắt người đối diện. Áo dài ngày nay không chỉ là trang phục lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt, mà nó cũng trở thành trang phục trang nhã nơi công sở, đồng phục cho học sinh hoặc là trang phục tiếp những vị khách quý trong gia đình.
Đời sống hiện đại với rất nhiều kiểu trang phục mới, độc đáo, cá tính, nhẹ nhàng, thế nhưng tà áo dài vẫn chưa bao giờ mất đi vị trí của nó trong đời sống tâm hồn của người Việt Nam. Bởi nó không chỉ là trang phục truyền thống mà nó còn là biểu tượng cho người phụ nữ Việt Nam: dịu dàng, duyên dáng nhưng cũng rất hiện đại, hội nhập cùng với sự phát triển của đất nước. Thực vậy, trong các hội nghị quốc tế, ở hội thảo khoa học nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, một nữ học giả Mỹ đã vận một chiếc áo dài, và mở đầu bài phát biểu của mình bằng một câu tiếng Việt: "Xin chào các bạn", cả hội trường Ba Đình trang trọng khi đó bỗng tràn ngập một không khí thân thương trìu mến. Trong hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14 ở Việt Nam, áo dài đã được vinh dự là trang phục chính cho các vị lãnh đạo nguyên thủ quốc gia của các nước mặc trong buổi lễ bế mạc kết thúc hội nghị. Áo dài, như vậy có thể là đại sứ tinh thần của văn hóa Việt, mang nước Việt Nam cùng hòa chung vào dòng kinh tế năng động và nhiệt huyết trên thương trường thế giới, là một nét riêng của người phụ nữ Việt nói riêng và cả dân tộc Việt nói chung.
Những khoảng khắc đẹp của nữ công đoàn viên thuộc công đoàn cơ sở xã Ea Ly
Bên cạnh việc khuyến khích mặc trang phục áo dài trong ngày làm việc, Ban chấp hành công đoàn cơ sở xã Ea Ly còn tổ chức hoạt động tặng áo dài cho 100% công đoàn viên nữ của xã – Đây vừa được xem là đồng phục mang màu sắc riêng, cũn glaf nét đẹp trong công sở của xã. Đồng thời, xây dựng một nét đẹp, trang nghiêm trong những buổi chào cờ đầu tháng tại cơ quan.
Những khoảng khắc đẹp của nữ công đoàn viên thuộc công đoàn cơ sở xã Ea Ly
Những hình ảnh, nét đẹp của công đoàn viên nữ xã Ea Ly nói riêng, phụ nữ nói chung trong chiếc áo dài là hình ảnh trực quan nhất, sinh động nhất, thiết thực nhất góp phần quảng bá hình ảnh áo dài của phụ nữ Việt Nam, tạo hiệu ứng mạnh mẽ, lan tỏa vẻ đẹp áo dài trong cộng đồng và khơi dậy trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam./.
Thu Hà