• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vượt khó khởi nghiệp (Clip)

Học hết cấp 2, do hoàn cảnh khó khăn, Nguyễn Văn Bính, sinh năm 1994, (thôn Đồng Phú, Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) ở nhà  giúp mẹ làm kinh tế nông nghiệp. Chứng kiến cảnh bấp bênh của cây sắn, cây mía, Bính đã quyết tâm tìm hướng đi mới và bước đầu thành công cũng ngay chính trên quê hương mình

Sau thời gian làm thuê học kinh nghiệm trồng nấm Sò Thái bên tỉnh Gia Lai, tháng 5/2020, từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH ủy thác qua Đoàn thanh niên xã, Bính đã đầu tư 100 triệu đồng làm nhà trại, dàn treo cùng hệ thống phun tưới nước với công suất 12 nghìn bịch phôi nấm. Dù đã có thời gian làm quen với nấm, nhưng khởi đầu việcr tồng nấm của Bính vẫn gặp không ít khó khăn, trở ngại. Khí hậu bên Gia Lai em học thì mát lắm, dù nắng nhiều nhưng nhiệt độ dễ chịu, không như Phú Yên mình. Về đây nắng nhiều, chênh lệch nhiệt độ lớn nên lúc đầu cũng hư hỏng nhiều. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Mỗi một lần như vậy em coi đó là một bài học cho mình”- Bính chia sẻ.

Bằng sự đam mê tìm tòi sáng tạo, cùng những kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian đi làm thuê, trại nấm của Bính dần ổn định, năng suất trung bình một tháng đạt 0,25kg nấm/bịch phôi. Sản lượng hàng ngày đều đặn từ 35 đến 40kg. Với giá bán sỉ 40.000 đồng/kg, mỗi tháng trừ hết chi phí và khấu hao nhà xưởng, trại nấm cho lãi ròng trên 15 triệu đồng. Mức lãi này tương đương với việc sản xuất 05 hecta mía tại địa phương ở những thời điểm giá bán cao nhất. Trồng nấm không vất vả nhưng để sản phẩm bán ra tươi ngon cần phải thức khuya, dậy sớm. Bính cho biết: “Ban ngày em theo dõi thời tiết để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm cho phù hợp, kiểm tra và rạch những phôi đã chín để cho nấm mọc. Buổi tối dành khoảng 02 đến 03 tiếng đồng hồ thu hoạch, cắt tỉa, vào bao bì, và sau đó 3 giờ sáng chở nấm đến chợ trung tâm huyện để giao nấm cho các tiểu thương buôn bán, hôm nào nhiều giao không hết em đứng bán lẻ luôn tại chợ”. Chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, Bính cho hay: “Trồng nấm không khó, chủ yếu là điều chỉnh nhiệt độ phù hợp. Em sử dụng phương pháp riêng của mình đề phòng trừ sâu bệnh, nhưng tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Mọi người nói trồng nấm chắc là sử dụng nhiều thuốc, nhưng em khẳng định tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật hay thuốc bảo quản”.

Ngoài thu nhập cho bản thân, trại nấm của Bính còn giúp 01 thanh niên khác ở địa phương có việc làm ổn định với mức lương 6 triệu đồng/tháng. Nói về việc làm của Bính, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đức Bình Tây Nguyễn Tấn Tứ, cho biết: “Sống với mẹ đơn thân từ nhỏ nhưng Đoàn viên Nguyễn Văn Bính có một quyết tâm rất lớn trong phong trào lập thân lập nghiệp do xã Đoàn phát động. Ở một thời điểm thì đoàn viên Bính có học hỏi được mô hình làm nấm, nhưng vì điều kiện gia đình hoàn cảnh khó khăn, mẹ đoàn viên Bính rất là ngại vấn đề lập thân lập nghiệp, tạo việc làm mới vì sợ không ổn định đầu ra. Nhưng Ban chấp hành xã đoàn cũng như quản lý bên Ngân hàng CSXH huyện đã nắm được tâm tư nguyện vọng Nguyễn Văn Bính, từ đó hỗ trợ vốn, cũng như tiếp cận động viên, khích lệ. Tới thời điểm hiện tại bây giờ, đoàn viên Bính đã thành công trên mô hình nuôi nấm của mình. Và khẳng định được đây là mô hình phát triển cần được nhân rộng trong  tất cả các bạn đoàn viên thanh niên cũng như phong trào lập thân, lập nghiệp ở xã, huyện”.

Đồng hành với việc khởi nghiệp của Bính, thời gian qua, Ngân hàng CSXH huyện Sông Hinh luôn theo dõi sát, kịp thời có những chính sách động viên, hỗ trợ. Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần văn Thanh Minh, Phó Giáo đốc Phòng giao dịch ngân hàng CSXH huyện Sông Hinh cho biết thêm: “Những dự án Thanh niên khởi nghiệp được Ngân hàng CSXH quan tâm đầu tư kịp thời nguồn vốn cho thanh niên phát triển lập thân, lập nghiệp. Thống kê đến ngày 28/2, Ngân hàng đã giải ngân 28 tỷ đồng cho 800 hộ thuộc đối tượng đoàn viên, thanh niên, hầu hết các nguồn vốn đã được phát huy hiệu quả, điển hình như Dự án khởi nghiệp của đoàn viên Nguyễn Văn Bính, xã Đức Bình Tây. Trong thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục xem xét, tăng vốn đầu tư cho các dự án, mô hình hiệu quả, có phương án khả thi tạo điều kiện cho các đối tượng mở rộng sản xuất, phát triển bền vững”.

Với dự định xây dựng thương hiệu sản phẩm nấm sạch, nghiên cứu tận dụng nguyên liệu rơm có sẵn tại địa phương để làm phôi nấm, phát triển thị trường để mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm… công việc của Bính có thể còn khó khăn, vất vả. Nhưng, những kết quả bước đầu đã đạt được, cùng sự đồng hành của Đoàn thanh niên, cũng như các chính sách tín dụng xã hội sẽ là động lực thúc đẩy, giúp Bính cũng như nhiều thanh niên khác thực hiện thành công ý tưởng của mình, qua đó đẩy mạnh phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng Nông thôn mới ở địa phương

                            Văn Thùy


Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 662
Hôm qua : 367
Tháng 04 : 5.396
Năm 2024 : 55.355