• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HỎI ĐÁP PHÁP LUẬT LIÊN QUAN ĐẾN PHÁP LUẬT DÂN SỰ

1. Người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 là người ở độ tuổi nào?  Giao dịch của người chưa thành niên được Bộ luật dân sự 2015 quy định như thế nào?

- Người chưa thành niên theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 là người chưa chưa đủ 18 tuổi.

- Giao dịch của người chưa thành niên được Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

+ Giao dịch dân sự của người chưa đủ 16 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện;

+ Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;

     +Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của pháp luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

 2. Anh X nghiện ma tuý dẫn đến tiêu tan tài  sản của gia đình. Chị A, Vợ anh X cho rằng chị đương nhiên là người đại diện cho anh X nên không cần phải làm đơn yêu cầu Toà án tuyên anh X bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành ý kiến của chị A trong vấn đề này có căn cứ pháp luật hay không?

Tại khoản 1 Điều 24 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Toà án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

Đối chiếu với quy định nêu trên, khi anh X bị nghiện ma tuý đến mức không nhận thức được thì vợ anh X nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được coi là ngườicó quyền, lợi ích liên quan. Tuy nhiên để được làm đại diện của anh X, thì vợ anh X phải làm đơn yêu cầu Toà án tuyên bố anh X mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, việc chị vợ anh X cho rằng chị đương nhiên là người đại diện cho anh X nên không cần phải làm đơn yêu cầu Toà án tuyên anh X bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là không có căn cứ pháp luật.

3.Xin hãy cho biết quyền nhân thân là quyền gì? quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 bao gồm những quyền gì?

Điều 25 Bộ luật dân sự quy định quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân. Căn cứ vào mục 2 chương III, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có các quyền nhân thân sau đây : quyền đối với họ, tên ; quyền xác định dân tộc ; quyền được khai sinh ; quyền khai tử ; quyền đối với quốc tịch, quyền đối với hình ảnh ; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể ; quyền hiến bộ phận cơ thể ; quyền bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín ; quyền hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác ; quyền xác định lại giới tính, chuyển đổi giới tính ; quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình ; quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình.

4. Do có nhiều nợ nần nên Nguyễn Văn B đã xin đổi họ tên thành Trần Nguyên C với lý do mẹ của B mang họ Trần. Yêu cầu của B được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận. Vậy trong trường hợp này khi Nguyễn Văn B thay đổi họ và tên sang Trần Nguyên C có làm chấm dứt những nghĩa vụ trả nợ mà trước đó B phải thực hiện hay không? 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 và khoản 3 Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc thay đổi họ, tên không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ, tên cũ.

Như vậy, việc Nguyễn Văn B thay đổi họ và tên thành Trần Nguyên C không làm chấm dứt những nghĩa vụ trả nợ mà trước đó B phải thực hiện. Sau khi đổi thành Trần Nguyên C, thì C vẫn phải có nghĩa vụ trả các khoản nợ phát sinh mà trước đó C với tên gọi là Nguyễn Văn B phải có nghĩa vụ thực hiện.

5. Ông Q dân tộc Kinh sống ở thị xã H, lấy bà N người dân tộc Mường, khi sinh cho con là S trước đây theo hộ khẩu của mẹ ghi là dân tộc Mường. Nay vì S đã 18 tuổi nên ông Q và bà N có nguyện vọng muốn xác định dân tộc cho S là dân tộc Kinh. Nhưng yêu cầu của ông bà đã bị cơ quan có thẩm quyền từ chối với lý do chỉ có S mới được quyền yêu cầu việc đó hoặc phải có sự đồng ý của S. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành việc cơ quan có thẩm quyền từ chối yêu cầu của ông Q và bà N với lý do nêu trên là đúng hay sai?

Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trong trường hợp cha đẻ và mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau, thì dân tộc của người con được xác định là dân tộc của người cha đẻ hoặc dân tộc của người mẹ đẻ theo tập quán hoặc theo thoả thuận của cha đẻ, mẹ đẻ. Tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định người đã thành niên, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong các trường hợp sau đây:

a- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ, nếu cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;

b- Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được được cha đẻ, mẹ đẻ của mình.

Đối chiếu với quy định tại điểm a khoản 2 Điều 28 Bộ luật dân sự nêu trên thì trường hợp ông Q dân tộc Kinh và bà N người dân tộc Mường, khi sinh là S ghi là dân tộc Mường nay ông bà có nguyện vọng muốn xác định dân tộc cho S là dân tộc Kinh thuộc trường hợp được yêu cầu xác định lại dân tộc. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 điều 29 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc xác định dân tộc cho người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi phải được sự đồng ý của người đó. Như vậy, trường hợp nêu trên ông Q và bà N không có quyền yêu cầu xác định lại dân tộc cho S đã 18 tuổi từ dân tộc Mường sang dân tộc Kinh, trừ trường hợp S là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu trong trường hợp S không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì việc cơ quan có thẩm quyền từ chối yêu cầu của ông Q và bà N xác định lại dân tộc cho S với lý do chỉ có S mới được quyền yêu cầu việc đó hoặc phải có sự đồng ý của S là đúng với quy định của pháp luật hiện hành.

6.  Sau khi sinh con, chị N đã đến UBND xã nơi có hộ khẩu thường trú khai sinh cho con, nhưng bị Chủ tịch xã từ chối với lý do chị N còn đang nợ thuế nông nghiệp nên Nghị quyết của HĐND xã quy định những đối tượng như chị N trước khi khai sinh cho con phải thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành hành vi từ chối khai sinh cho con chị N của Chủ tịch UBND xã với lý do trên có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Điều 30 Bộ luật dân sự quy định cá nhân khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Như vậy, khi con chị N được sinh ra cũng có quyền được khai sinh như đối với tất cả cá nhân khác. Trong trường hợp trên cần phải phân biệt giữa trách nhiệm của cơ quan nhà nước phải khai sinh khi cá nhân được sinh ra và hành vi của cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Trong trường hợp này UBND xã nơi chị N có hộ khẩu thường trú phải có nghĩa vụ khai sinh cho con chị N mà không được quyền đặt ra bất cứ lý do nào khác. Còn đối với chị N nếu có vi phạm về nghĩa vụ nộp thuế thì phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.

Vì vậy việc Chủ tịch UBND xã đã  lấy lý do chị N còn đang nợ thuế nông nghiệp nên Nghị quyết của HĐND xã quy định những đối tượng như chị N trước khi khai sinh cho con phải thực hiện xong nghĩa vụ nộp thuế để từ chối yêu cầu khai sinh cho con chị N là vi phạm quy định tại Điều 30 Bộ luật dân sự 2015 về quyền được khai sinh.

7. Công ty S đã dùng hình ảnh đạt giải trong cuộc thi mẫu ảnh để quảng cáo mà không xin phép chị M là người trong ảnh. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, việc Công ty S quảng cáo mà không xin phép chị M có bị coi là vi phạm quyền đối với hình ảnh của cá nhân hay không trong khi Công ty S đã đưa ra điều kiện trong thể lệ cuộc thi là bản quyền đối với những ảnh đạt giải thuộc về công ty?

Tại Điều 32 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Đối chiếu với quy định nêu trên thì về nguyên tắc pháp luật quy định việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Trong trường hợp Công ty S đã dùng hình ảnh đạt giải trong cuộc thi mẫu ảnh để quảng cáo mà không xin phép chị M là người trong ảnh vẫn bị coi là vi phạm quy định về quyền đối với hình ảnh của cá nhân, mặc dù trước đó Công ty S đã đưa ra điều kiện trong thể lệ cuộc thi là bản quyền đối với những ảnh đoạt giải thuộc về công ty. Bởi vì những điều kiện được ghi trong thể lệ cuộc thi mà Công ty S đưa ra chỉ có giá trị đối với tác giả của bức ảnh đó mà không đồng nghĩa với việc cá nhân người trong ảnh đã đồng ý cho phép Công ty S sử dụng hình ảnh của mình để quảng cáo.

8. Anh B bị ung thư dạ dạy, đến khi bệnh của anh chuyển sang gia đoạn 3, anh biết mình không qua khỏi nên đã hiến tặng quả thận của mình cho người bạn thân đang bị suy thận. Gia đình anh kiên quyết phản đối việc này. Vậy theo quy định của pháp luật, việc hiến, nhận mô, bộ phận cơ thể người có phải cần có ý kiến của gia đình hay không?

Theo quy định tại điều 35 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể của mình sau khi chết vì mục đích chữa bệnh cho người khác hoặc nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác. Cá nhân cũng có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình. Cơ sở khám, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.

Như vậy, anh B có toàn quyền quyết định trong việc hiến bộ phận cơ thể của mình vì mục đích chữa bệnh cho người khác nếu anh không phải là người có hạn chế về năng lực hành vi dân sự.

9. Chị N dân tộc BaNa theo đạo Tin lành có quyền kết hôn với người theo đạo Hồi hay không khi chị N đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật?

Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn. Việc tự do kết hôn giữa những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau, giữa những người theo tôn giáo và không theo tôn giáo được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

Như vậy, khi chị N theo đạo Tin lành đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật thì  chị N có quyền kết hôn với bất cứ người thuộc dân tộc, tôn giáo nào. Quyền tự do kết hôn của chị N đối với những người thuộc các dân tộc, tôn giáo khác nhau sẽ được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

10. Do có mâu thuẫn không thể chung sống với nhau được nên chị P đã làm đơn xin ly hôn với anh M. Nhưng anh M cho rằng vì gia đình anh theo đạo Thiên chúa nên trong giáo lý không chấp nhận ly hôn. Vậy theo quy định của pháp luật hiện hành, trong trường hợp nêu trên chị P có được gửi đơn đến Toà án để xin ly hôn đối với anh M không?

Theo quy định tại Điều 39 Bộ luật dân sự năm 2015, vợ hoặc chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên việc anh M  cho rằng gia đình anh theo đạo Thiên chúa nên anh không chấp nhận việc ly hôn với chị P không phải là quy định của pháp luật mà chỉ là giáo lý tôn giáo. Do đó nó sẽ không phải là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét nguyện vọng ly hôn của chị P. Trong trường hợp này chị P vẫn có quyền được gửi đơn đến Toà án để xin ly hôn đối với anh M.

11.Tôi với hình hài là nam nhưng trong bản thân cơ thể tôi lại là một cô gái. Xã hội thường dị nghị với những người như tôi. Tôi khao khát trở về con người thực của mình. Tôi muôn sang thái Lan để chuyển đổi giới tính. Vậy pháp luật Việt Nam có công nhận việc xác định lại và chuyển đổi giới tính không?

- Theo quy định tại điều 36 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì cá nhân có quyền xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của pháp luật. Cá nhân đã  thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký lại hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của Bộ luật này và  các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Việc chuyển đổi giới tính  được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân than phù hợp với giới tình đã được chuyển đổi theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.


Tác giả: Lê Văn Tư
Nguồn:Ban biên tập Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Cây danh mục
Cây danh mục
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang thành phần
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 666
Hôm nay : 0
Hôm qua : 289
Tháng 09 : 6.753
Năm 2024 : 156.147