• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyện cộng đồng người Dao đưa nước về làng

Không cam chịu để vùng đất mình sinh sống “khát nước”, cằn cỗi; không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cộng đồng dân tộc người Dao ở thôn Chư BLôi (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) đã quyết tâm tìm và đưa nước về làng. Từ khi có nguồn nước, đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân nơi đây đã đổi thay rõ rệt. Chuyện người dân làng Dao đưa nước về làng còn là biểu tượng của tinh thần cố kết cộng đồng.

ĐỔI THAY Ở LÀNG DAO

Làng Dao ở thôn Chư BLôi nằm dưới chân núi Hòn Đen cách trung tâm xã Ea Bar khoảng 5km. Vào mùa khô, cả làng thiếu nước sinh hoạt; cây trồng khô cháy. Để có nước, người dân đã loay hoay đào ao, khoan giếng nhưng vẫn không đủ dùng.

Tháng 9/2018, cộng đồng người Dao ở thôn Chư Blôi đã góp tiền, góp công đưa nước từ khe suối trên đỉnh núi Hòn Đen về làng. Khi có nguồn nước, đời sống sinh hoạt và hơn 20 hecta đất canh tác lúa nước và cây ăn trái của người dân đã thoát cảnh “trông ở nước trời”. Từ đây, kinh tế phát triển và nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Người dân làng Dao lắp ống dẫn nước về làng

 

Đường về làng Dao giờ đây đã được đổ bê tông, dọc hai bên đường là những rẫy sắn, vườn cây ăn trái như bơ, sầu riêng xanh tốt. Vào làng, nhiều căn nhà ngói mới đang được xây dựng…

Ông Bàn Nguyên An, người có uy tín của cộng đồng làng Dao ở thôn Chư BLôi đưa chúng tôi đi thăm vườn bơ của gia đình. Ông kể, ngày trước ở làng này trồng cây gì cũng vất vả. Có thời điểm mùa hạn kéo dài, ao hồ cạn nước, người dân trong làng vừa lo nước sinh hoạt vừa lo cây chết. Từ khi cả làng tìm được nguồn nước trên núi Hòn Đen nên đã tìm cách dẫn về. Giờ thì ở làng Dao Chư BLôi nước chảy quanh năm. Nước được đưa đến từng nhà để phục vụ cho sinh hoạt; nước được dẫn ra vườn tưới cho cây ăn quả, dẫn ra ruộng để làm lúa nước. Có nguồn nước ổn định nhiều gia đình mở rộng chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống khá dần lên.

Từ đường ống dẫn nước chung của làng Dao, gia đình anh Bàn Nguyên Tư đã đầu tư thêm đường ống, pet phun tự động để tưới cho gần 7 hecta sắn trồng xen với sầu riêng. Anh Bàn Nguyên Tư chia sẻ: Trước đây không có nước tưới, cây sắn trồng rất khó lên, tỷ lệ hư hao nhiều và năng suất thấp. Từ khi có nước, sắn phát triển tốt, năng suất và chữ bột cũng cao hơn. Nếu giá cả ổn định, bình quân mỗi năm gia đình có lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng.

Ông Bàn Nguyên An tưới nước cho cây sắn bằng nguồn nước tự chảy

 

Làng Dao dưới chân núi Chư Blôi đã thay da, đổi thịt nhờ có nước. Mùa màng tốt tươi giúp cho tỷ lệ hộ nghèo ở đây giảm một nửa so với trước.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bar cho biết: Nguồn nước mà bà con làng Dao tìm được và dẫn về đã làm thay đổi đời sống sinh hoạt và sản xuất. Chính quyền địa phương cũng đã có những định hướng trong phát triển cây trồng, vật nuôi ở khu vực này. Với nỗ lực của mỗi gia đình, từ chỗ làng có 40 hộ nghèo và cận nghèo đến nay đã có 20 hộ thoát nghèo. Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân xã sẽ cố gắng tìm nguồn kinh phí để giúp bà con làng Dao duy trì, bảo dưỡng hệ thống nước tự chảy này.

CẢ LÀNG GIỮ NGUỒN NƯỚC MÁT

Ở làng Dao thôn Chư BLôi, ông Bàn Nguyên An là đảng viên và là người có uy tín của cộng đồng. Ông cũng chính là người “khơi mào” việc đi tìm nguồn nước và dẫn về làng. Ông lật mở cho chúng tôi xem từng tấm ảnh chụp cảnh người dân trong làng Dao cùng nhau gánh từng viên gạch, cát, xi măng,… lên đỉnh núi Hòn Đen để dẫn nước về làng trong chiếc điện thoại cũ.

Ông Bàn Nguyên An kể lại: để đưa được nước về làng người dân đã nhiều lần bàn bạc và thống nhất: hộ nào muốn sử dụng nước cho sinh hoạt đóng góp 10 triệu đồng. Nếu muốn có nguồn nước để phục vụ sản xuất thì góp thêm 10 triệu nữa. Riêng những hộ khó khăn không có tiền thì đóng góp bằng ngày công lao động. Tổng kinh phí huy động được để thực hiện công trình gần 300 triệu đồng. Sau gần 1 tháng thi công liên tục thì hoàn thành. Hơn 200 người dân của làng đã có mặt từ sáng sớm mỗi ngày, thay phiên mở đường, đưa vật liệu băng rừng lên núi Hòn Đen. Kết quả đã có gần 2 tấn xi măng, hơn 3.000 viên gạch và 4.500m đường ống dẫn nước đã được xây, lắp. Nước được dẫn về, người làng lại cùng nhau tìm hiểu kỹ thuật nối ống, xây bể lọc nước… để đường ống dẫn nước không bị vỡ và đưa nước về đến tận từng hộ gia đình.

Trẻ em làng Dao vui nguồn nước mát

 

Đưa nước về là chuyện của cả làng, giữ gìn nguồn nước cũng là chuyện của cả làng. Núi Hòn Đen nằm trên dãy Chư BLôi hùng vĩ đã cho người dân làng Dao nơi đây dòng nước mát. Khu vực này là rừng phòng hộ đầu nguồn giáp ranh với các tỉnh Tây Nguyên. Mỗi khi nghe thấy có tình trạng phá rừng, người dân lại lo lắng. Vậy là họ lại bàn bạc phải cùng nhau giữ rừng để giữ lấy nguồn nước cho làng.

Anh Bàn Nguyên Toàn, người dân làng Dao cho biết: Bà con ở đây biết rằng giữ được rừng sẽ giữ được nước nên phải bảo vệ nó. Hàng tuần người làng thay nhau lên rừng vừa kiểm tra đường ống nước vừa để bảo vệ cây rừng. Ở đây còn có nhiều cây to, khe suối với nước mát. Bảo vệ rừng, giữ nước là lo cho cuộc sống tương lai.

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Bar cho biết thêm: khu vực này là rừng phòng hộ với diện tích hơn 1.200 hecta. Có thêm sự chung tay giữ rừng của cộng đồng làng Dao nên ở đây không xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép. Trong bối cảnh lực lượng kiểm lâm, cán bộ lâm nghiệp còn hạn chế thì đây là việc làm rất đáng biểu dương.

Đưa được nước về rồi giữ nguồn nước là việc làm chung của cả làng Dao ở Chư BLôi. Thế nhưng không thể phủ nhận vai trò tiên phong gương mẫu với vai trò là người có uy tín và đảng viên của ông Bàn Nguyên An.

Theo ông Nguyễn Quốc Minh – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Ban dân tộc tỉnh Phú Yên: việc tập hợp, đoàn kết nhân dân của ông Bàn Nguyên An cho thấy vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Ban dân tộc tỉnh Phú Yên và chính quyền địa phương luôn chú trọng thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg ngày 1/2/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mối tấm gương sáng, mỗi việc làm hay luôn được tuyên truyền, nhân rộng để cộng đồng dân tộc ở Phú Yên học tập.

Chuyện người dân làng Dao đưa nước về cho thấy nếu có sáng tạo và đoàn kết khó khăn sẽ vượt qua. Cách làm hay của người dân làng Dao ở thôn Chư BLôi và uy tín cộng đồng của những người như ông Bàn Nguyên An là điểm sáng cần được phát huy. Có được điều này khắp các bản làng ở Phú Yên nói riêng và cả nước nói chung sẽ có cuộc sống sung túc, yên bình./.

                                                                                                       Xuân Triệu – Văn Thùy


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang Liên Kết
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 3
Hôm nay : 18
Hôm qua : 3.419
Tháng 04 : 13.470
Năm 2024 : 63.429