• :
  • :
Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động huyện Sông Hinh "THÂN THIỆN, NGHĨA TÌNH, TẬN TỤY, TRÁCH NHIỆM, KỶ CƯƠNG, KỶ LUẬT" !
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đặc sắc văn hóa phi vật thể vùng đồng bào thiểu số Sông Hinh

Huyện Sông Hinh có 22 dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm khoảng 47,7% dân số toàn huyện, đồng bào dân tộc thiểu số huyện miền núi Sông Hinh đã tạo nên nền văn hóa đa dạng, phong phú, đậm đà bản sắc. Với những nỗ lực chung, các giá trị văn hóa nói chung, văn hóa phi vật thể nói riêng đã là món ăn tinh thần, là động lực để con người vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Vào mùa xuân, khi lúa đã đầy nhà, rẫy đang lên xanh tốt, người Ê Đê tranh thủ thời gian rảnh rỗi này để tổ chức lễ mừng tuổi, một lễ hội phổ biến nhất duy trì từ lâu đời đến nay.

Lễ mừng tuổi, hay còn gọi lễ trưởng thành lớn khôn. Theo phong tục của người Ê Đê, khi người con trai trong nhà biết tự mình làm nương, phát rẫy, trỉa bắp, trồng lúa; biết đi rừng chặt củi, săn bắn là được bố mẹ  hoặc anh chị làm lễ mừng tuổi trưởng thành. Từ nhiều ngày trước, gia chủ chuẩn bị sắn nhiều vật dụng như trống, chiêng, làm dàn treo chiêng, để trống, cây lê ô trước bậc thang, khiel, bầu nước... Lễ mừng tuổi lớn khôn có nhiều cấp bậc, trong đó lớn nhất là cúng ché 7, gia chủ cần phải chuẩn bị hàng chục ché rượu và một con heo thiến nặng 100 kg để cúng và đãi dân làng.

Lễ mừng tuổi diễn ra trong bốn ngày, ngày thứ nhất, gia chủ chuẩn bị một ché rượu cho thày cúng báo với Giàng, thần núi, thần sông về việc sắp tổ chức lễ mừng tuổi của gia đình. Sáng hôm sau, ngay từ tinh mơ, khi các thú rừng còn đang ngủ, người dân trong buôn đang say giấc, người được mừng tuổi đến bến nước của buôn tắm rửa sạch sẽ thể hiện sự trang trọng trước khi vào nghi lễ chính thức và lấy một bầu nước đem về nhà.

Trong ngày chính thức, một phần thịt heo được cắt từ đuôi đến đầu được cột trang trọng giữa nhà trước một dãy ché dài. Chiêng trống nổi lên, thày cúng mời Giàng, thần về chứng giám và trao sức mạnh cho người làm lễ.

Với người Ê Đê, nước là cội nguồn của cuộc sống, nước còn giúp con người tẩy rửa những tội lỗi, những ngu si để trở thành người mạnh mẽ, thông minh và khôn khéo. Vì vậy một lần nữa, người được cúng mừng tuổi lại được đưa ra bến nước đầu buôn tắm, mang theo nhiều vật dụng biểu hiện sức mạnh như dao, dựa, khiel; mọi người nhảy múa điệu Chinh krứ đón mừng sự trưởng thành của một người con của buôn làng. Đến nhà, người mẹ đã chờ sẵn để chờ con trai báo công.

Xuyên suốt trong lễ mừng tuổi lớn khôn, người thầy cúng đã cầu mong cho chàng nhận được sự truyền nối sức mạnh truyền thống của bộ tộc mình. Mọi người trao vòng gửi gắm niềm tin và hy vọng sức mạnh của chàng trai giúp bảo vệ và xây dựng buôn làng phát triển. Sau khi đã hoàn thành, người được làm lễ trưởng thành tạ ơn bố mẹ, hoặc anh chị một con bò mổ thịt cùng chiêu đãi dân làng.

Nếu như người Ê Đê có lễ trưởng thành, thì người Dao phải nói đến lễ cấp sắc. Mùa xuân, mùa lễ hội cũng là mùa người Dao chọn làm lễ cấp sắc. Với người Dao, Lễ cấp sắc là một nghi lễ quan trọng nhất trong cuộc đời của mỗi con người. Điều kiện để được cấp sắc là đã có gia đình, gia đình đó phải làm được nhiều việc tốt. Khi đã được cấp sắc, người đó được dân làng tôn trọng, có vị trí trong cộng đồng và được làm thày cúng có thể cúng cấp sắc cho người khác. Ông Bàn Nguyên Thành, người uy tín thôn Tân Bình, xã Ea Ly, Sông Hinh cho hay: Dân tộc Dao ai cũng phải qua lễ cấp sắc, để cho trở thành người lớn. Nếu không khi mất đi vẫn là trẻ con. Mình cấp sắc thế này thì có tên tuổi với Ngọc Hoàng và có đủ nghị lực để làm mọi việc. Cấp sắc rồi ai thiếu cái gì, muốn làm cái gì thì mới làm được. Không phải là mê tín mà theo phong tục tập quán.Nghi lễ trong cấp sắc kéo dài trung bình 24 tiếng đồng hồ liên tục. Thày cúng là những người có uy tín trong làng. Điểm nhấn trong lễ cấp sắc là những bức tranh tượng trưng cho các vị thần hoàng cùng bàn thờ tổ tiên; Đặc sắc nhất là điệu múa Sềnh Hung hòa cùng triếng chiêng, trống; tiếng tù nhằm tạo không khí vui tươi cho mọi người, cho gia đình. Lời cúng được xếp vần thành thơ thỉnh cầu với tổ tiên và các vị thần hoàng ban an lành đến mọi người trong nhà. Ông Bàn Nguyên Thành, cho biết thêm: Nội dung các lời cúng chủ yếu là làm tốt cho gia đình, ví dụ gia đình mấy năm trước gặp khó khăn, hay là tai họa; hôm nay gia đình mới tổ chức làm cái lễ cấp sắc cầu mong sau này mãi được bình an. Già làng, thày cấp sắc Bàn Lê Minh, thôn Tân Bình, xã Ea Ly, Sông Hinh cho biết thêm: Lễ  cấp sắc nhắc nhỏ với người được làm lễ rằng, dù ở bất cứ đâu, dù làm bất cứ việc gì cũng đều phải nhớ đến đạo đức của người Dao, đó là tổ tiên, là đối xử tốt với mọi người, không làm điều ác, điều trái với cộng đồng xã hội.

Lễ cấp sắc thường tổ chức trong khuôn khổ gia đình. Với người Dao thôn Tân Bình đây còn là dịp để mọi người trong dân làng gặp gỡ, xây dựng tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ, vì theo ông Bàn Nguyên Thành: “Không có sự hỗ trợ của bà con xóm làng, dòng họ, không có tinh thần đoàn kết thì không bao giờ làm được cấp sắc. Lễ cấp sắc không thể một mình làm được, anh em em cũng chưa đủ. Phải nhờ tới anh em khác, với họ khác thì mới làm được. Khi thấy hộ nào đã có đủ điều kiện để làm cấp sắc nhưng không có heo, thì anh em hàng xóm tự nguyện giúp cho; khi nào làm nên thì trả lại”.

Đất đai màu mỡ, tinh thần cần cù lao động sản xuất cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của người dân nơi đây ngày một khấm khá. Nhờ vậy đến nay hầu hết người dao ở huyện Sông Hinh đã làm được lễ cấp sắc cho gia đình mình. Lễ cấp sắc thường tổ chức trong khuôn khổ gia đình, và đây còn là dịp để mọi người trong dân làng gặp gỡ, xây dựng tinh thần đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ.

Song song với hai lễ hội nêu trên, những năm qua, nhiều thể loại văn hóa phi vật thể khác mang tính cộng đồng cao đã được khôi phục và dần phát huy làm đa dạng, phong phú tinh thần cho người dân, tiêu biểu như Lễ cúng cầu lúa, Lễ cưới, Lễ hội đâm trâu, Lễ bỏ mả, Lễ cúng bến nước, Lễ cúng nhà mới, Lễ cúng cổng làng. Nổi bật trong đó còn có cồng chiêng và hát then. Đến nay hầu hết các xã, thị trấn và ngay cả các buôn làng đều có những đội cồng chiêng được tập luyện và biểu diễn thường xuyên; Đàn tính, hát then của người Tày đã và đang phát triển mạnh mẽ ở các xã như Ea Ly, thị trấn Hai Riêng với các câu lạc bộ thành lập và duy trì. Hát then, đàn tính biểu diễn rộng khắp ở xã, huyện và vươn đến các địa phương khác trong tỉnh, được nhiều người mến mộ hưởng ứng. Việc duy trì, phát huy các giá trị của lễ hội đã kéo theo nhiều thể loại văn hóa phi vật thể khác được bảo tồn, gìn gữ và phát huy như: chiêng 5 cồng 3, trống đôi, trống cái, Tù Và, Đinh năm, Đàn môi, Đàn Kơ ni, Múa Xoan, Múa Khiêl, Múa trống Tùng khắc, Đan lát, Dêt thổ cẩm; Kỹ thuật làm nhà dài, Kiến trúc nhà mồ, Điêu khắc tượng nhà mồ, Chế biến cơm lam, Chế biến rượu cần, Trang phục truyền thống… Những thể loại văn hóa phi vật thể đó đã và đang trở thành nguồn tinh thần to lớn, tạo động lực, là nguồn động viên, khích lệ, bồi đắp ý trí để người dân vượt qua mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bỏ qua những hạn chế, các lễ hội nói riêng, văn hóa phi vật thể nói chung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo sự gắn kết trong cộng đồng, thể hiện khát vọng cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Hơn thế, bảo tồn văn hóa phí vật thể còn là hướng phát triển chủ đạo và bền vững với ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh vùng dân tộc thiểu số.

 

Văn Thùy

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tổ chức bộ máy
Bản đồ
Cây danh mục
Cây danh mục
Thăm dò ý kiến
Bạn đánh giá chất lượng cung cấp thông tin như thế nào?
Trang thành phần
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 1
Hôm qua : 333
Tháng 09 : 6.465
Năm 2024 : 155.859