Ma Dom thoát nghèo bền vững nhờ vốn vay chính sách xã hội
Đồng hành với người dân vùng khó, nguồn vốn vay chính sách xã hội đã tạo động lực cho người dân vươn lên trong cuộc sống. Chuyện Ma Dom, buôn Ly, xã Ea Trol thoát nghèo bền vững là một ví dụ điển hình.
Hơn 10 năm trước, trong khi mọi người chờ để được nhà nước cấp ruộng thì Ma Dom đã đi đầu tận dụng nguồn vốn vay chính sách xã hội để thuê máy san ủi, đắp bờ làm ruộng lúa nước 2 vụ. Cần cù, chịu khó học hỏi, năng suất lúa nước của Ma Dom luôn ổn định và cao gấp 10 lần so với lúa rẫy. Ma Dom tâm sự: “Hồi trước kia toàn đi làm lúa rẫy, nhờ thiên nhiên, có mưa là được thóc, có nhiều nhất chục bao là hết đát à, đừng có nói là tấn, tạ là không có. Có chục bao lúa vừa ăn, vừa nhịn á, không có giáp mùa. Có ruộng lúa nước nay gia đình không còn lo lắng nữa”. Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Trol Nay Y Bình cho biết: “Để làm được ruộng lúa nước, Ma Dom rất chịu khó học hỏi, bón phân bò, phòng trừ sâu bệnh, hàng ngày đều thăm ruộng lấy nước, chăm sóc đều đặn nên lúa luôn được mùa”.
Khi cuộc sống đã ổn định, Ma Dom tính chuyện phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc tích trữ rơm làm thức ăn cho đàn bò, hạn chế thả rông, hàng năm đàn gia súc đều được tiêm phòng đầy đủ ngăn ngừa bệnh tật.
Những diện tích đất bỏ hoang trước kia nay đã được phục hóa với những cây trồng có giá trị kinh tế cao như cây keo, cây sưa, cây sắn. Mỗi khi biết ở đâu có giống sắn mới năng suất cao, kháng được bệnh là Ma Dom lại đến tận nơi tìm hiểu mua về trồng rồi nhân giống cho bà con buôn làng.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm lấy ngắn nuôi dài, tích tiểu thành đại, không ngừng sáng tạo, mở rộng quy mô sản xuất, mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên kết quả thu được hàng năm đều vượt trội so với các hộ dân trong vùng.
Đến nay, tổng thu nhập của gia đình hàng năm đã đạt mức 100 triệu đồng, gấp 10 lần so với 10 năm về trước, trong đó duy trì đều 10 con bò mẹ sinh sản, 2 hecta sắn, 01 hecta rừng, 04 sào lúa nước hai vụ cùng heo, gà.
Ma Trường, một người dân ở buôn Ly cho biết: “Cuộc sống Ma Dom trước kia khó khăn, rẫy nương không có, từ khi ông san lấp làm ruộng, cuộc sống đã ổn định. Nay thêm làm đám mì, làm rừng. Rồi lại biết cách chăm sóc phân, làm cỏ sạch sẽ, thì ông ngày càng khấm khá hơn”.
Thấu hiểu những khó khăn, rào cản của người dân tộc thiểu số ở cùng buôn làng, dù chưa học hết lớp 5, nhưng Ma Dom luôn cố gắng học hỏi và mạnh dạn xung phong làm tổ trưởng tổ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác qua Hội nông dân, với mong muốn nguồn vốn ưu đãi của nhà nước đến gần hơn với mọi người. Đến nay dư nợ do Ma Dom quản lý đã lên đến 1,3 tỷ đồng.
Ma Trim, một hội viên được Ma Dom hướng dẫn vay vốn chính sách, nay cũng đã vượt nghèo, cuộc sống khấm khá. Ma Trim cho hay: “anh Ma Don rất nhiệt tình vận động, giúp đỡ nông dân vay vốn chính sách. Các buổi sáng sớm hoặc chiều, ông đến các hộ khó khăn xem làm ăn như thế nào, truyền đạt kinh nghiệm, hướng dẫn cho họ làm ăn nên được mọi người trong buôn rất yêu quý”
Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Sông Hinh Trần Văn Thanh Minh nói: “Ma Dom gắn bó với nguồn vốn vay chính sách hàng chục năm qua, vừa là người vay vốn, vừa là tổ trưởng quản lý tổ vay vốn, Ma Dom là tấm gương sáng để người dân học tập cách làm ăn, sử dụng nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”
Vượt qua gian khó, từ một hộ nghèo, tay trắng, đến nay đã trở thành hộ khấm khá trong buôn. 6 người con của Ma Dom cũng đã được học hành đến nơi, đến chốn, trong đó có 02 con học đại học, một người con học trung cấp và nay đều đã có cơ ngơi riêng với nhà sàn, đất đai cùng những kinh nghiệm, kiến thức sản xuất, kinh doanh của người cha chia lại.
Ở vùng dân tộc thiểu số còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, nỗ lực thay đổi cuộc sống của Ma Dom là điểm sáng để người dân trong buôn học tập và làm theo. Hơn thế, nó còn là điều để khẳng định những chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cùng vai trò nguồn vốn vay chính sách đồng hành với người dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.