Phụ nữ dân tộc thiểu số giúp nhau làm kinh tế
Tại huyện miền núi Sông Hinh (tỉnh Phú Yên) chị em phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều cách làm hay giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiệu quả từ các mô hình này đã góp phần giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chị Dương Thị Thu Đông chăm sóc vườn keo của gia đình
Chị Dương Thị Thu Đông (sinh năm 1989, dân tộc Dao) là một trong những điển hình trong phát triển kinh tế ở thôn Tân Bình, xã Ea Ly, huyện Sông Hinh. Gia đình chị có gần 3 hecta đất để trồng các loại cây như: cao su, keo lai, sắn,… Bình quân mỗi năm gia đình chị thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Những mô hình phát triển kinh tế như của gia đình chị Đông và chị em phụ nữ khác hướng tới mục tiêu đến năm 2025 xã Ea Ly không còn hội viên phụ nữ (trong độ tuổi lao động) thuộc diện hộ nghèo. Chị Dương Thị Thu Đông, xã Ea Ly, nói: “Bản thân hỗ trợ các chị em vay vốn trồng cây cao su, câu keo. Đến nay cao su đã cho thu hoạch và đời sống kinh tế gia đình rất ổn định”.
Dựa vào điều kiện và tập quản canh tác, chị em phụ nữ giúp đỡ nhau về giống, con giống để cùng nhau sản xuất, phát triển kinh tế. Với phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Từ những mô hình kinh tế có hiệu quả, Hội phụ nữ lại nhân rộng và giúp đỡ thêm các hội viên khác. Mục tiêu của Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh là giúp đỡ ít nhất 11 chị em phụ nữ nghèo và 24 phụ nữ cận nghèo phát triển kinh tế bền vững. Chị Đàm Thị Nam, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ea Ly, huyện Sông Hinh chia sẻ: “Việc phát triển bền vững trong kinh tế đối với phụ nữ thì có mô hình đổi công, vần công không tính tiền. Đây là công việc hầu hết các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số đều có và mang lại hiệu quả rất cao”. Còn chị Nguyễn Thị Ái Liên, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh cho biết thêm: “Các tổ tiết kiệm vay vốn đã tạo điều kiện cho nhau về nguồn vốn, nhất là đối với phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số. Với số vốn chỉ cần ít thôi nhưng đây là động lực để chị em phát triển kinh tế, nâng đời sống của gia đình mình lên một tốt hơn”.
Hiện nay hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số của tỉnh Phú Yên là 8.486 người, chiếm 5,6% so hội viên toàn tỉnh thuộc 30 dân tộc thiểu số. Với nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo, 5 năm qua các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Yên đã giúp 848 phụ nữ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Theo Đề án 939 của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Hội Phụ nữ tỉnh Phú Yên đang tích cực hỗ trợ chị em phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp. Điều này kỳ vọng sẽ giúp thêm được nhiều chị em phát triển kinh tế. (Xuân Triệu- Văn Thùy)