Đảng bộ huyện Sông Hinh: Những dấu ấn của sự năng động, sáng tạo
Sau 38 năm thành lập và phát triển, Sông Hinh đã đổi thay sâu sắc. Đời sống nhân dân ngày một nâng lên, diện mạo từ vùng nông thôn, miền núi đến vùng đô thị ngày thêm khang trang, hiện đại. Kỷ niệm 38 năm ngày thành lập huyện Sông Hinh (25/2/1985-25/2/2023), Ban biên tập Cổng thông tin điện tử trân trọng giới thiệu đến quý độc giả bài viết của đồng chí Nguyễn Chí Hiền, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Hinh. Bài viết cho chúng ta góc nhìn toàn diện về sự hình thành, phát triển với sự năng động, sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân huyện nhà.
“Một năm bắt đầu từ mùa xuân” và ngày thành lập huyện Sông Hinh cũng là một trong những ngày đầu của một mùa xuân mới, trong tiết Vũ Thuỷ, mưa xuân nhè nhẹ, sáng ngày 25/2/1985 tức ngày 6 tháng 2 năm Ất Mùi, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Phú Khánh cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Sông Hinh long trọng công bố quyết định 179-HĐBT, ngày 27/12/1984 của Hội Đồng Bộ Trưởng (Nay là Chính Phủ) về thành lập huyện Sông Hinh. Điểm lưu ý là thời điểm thành lập huyện, tư tưởng và ánh sáng ban mai của thời kỳ đổi mới đã chiếu rọi khắp nơi và huyện Sông Hinh cũng đã hoà mình vào dòng chảy đổi mới ấy theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập huyện.
Khi mới thành lập, toàn huyện có 6 đơn vị hành chính (xã Ea bá, Ea Bia, Ea Trol, Đức Bình, Sơn Giang và xã Sông Hinh); dân số có 16.857 người, trong đó người dân tộc thiếu số chiến 49,5%. Đảng bộ huyện có 16 chi bộ với 146 đảng viên. Cán bộ huyện hầu hết được tăng cường từ các cơ quan của tỉnh Phú Khánh cũ, của huyện Tây Sơn, Tuy Hoà và thị xã Tuy Hoà. Trụ sở huyện đóng tại xã Ea Bia, thực chất đó là ba dãy nhà tạm của Ban xây dựng vùng kinh tế mới và khi đó dãy nhà ăn tập thể là hội trường của Đảng bộ huyện; nơi khởi nguồn cho các hoạch định về tầm nhìn tương lai cho huyện nhà.
Tình hình lúc mới thành lập vô cùng khó khăn; cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, điện, đường, trường, trạm hoàn toàn bắt đầu từ con số 0; xuất phát điểm của nền kinh tế rất thấp kém, sản xuất nông nghiệp chủ yếu là chăn nuôi nhỏ và độc canh cây lúa thổ, đậu, mè, thuốc lá với diện tích khoảng 7.300 ha, trong đó có 18 ha lúa nước; tổng đàn bò khoảng 17.000 con. Người dân còn tư tưởng “tự cung tự cấp”, đói thì xuống sông bắt cá, lên rừng hái rau, không tích luỹ cũng chẳng đầu tư. Văn hoá xã hội thì mộc mạc, chân chất; tỷ lệ mù chữ trong dân rất cao, toàn huyện chỉ có 3.256 học sinh từ mẫu giáo đến cấp II, với 119 giáo viên hợp đồng và dùng tạm những căn nhà “tranh tre, vách nứa” để làm lớp học; có 1 bác sĩ với 3 căn nhà đơn sơ gọi là Trạm để sơ cứu những căn bệnh phổ thông cho người dân. An ninh chính trị thì tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Với sự nhạy bén và bản lĩnh chính trị, với truyền thống đoàn kết, với tinh thần năng động, sáng tạo, được đúc kết, phát huy và đã trở thành truyền thống cao đẹp của bao thế hệ cán bộ và các tầng lớp nhân dân huyện, suốt chiều dài của quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Hinh luôn vượt qua mọi khó khăn, phát huy được tiền năng lợi thế, xây dựng huyện Sông Hinh ngày càng phát triển. Điều đáng trân trọng là khi nghiên cứu lịch sử phát triển của Đảng bộ huyện, ta nhận thấy có rất nhiều nội dung mang đầy chất sáng tạo, năng động, tạo nên những cú hích đột phá cho sự phát triển, mà trong khuôn khổ của bài viết này có thể điểm qua đó là:
Thứ nhất: Điểm sáng của Đảng bộ huyện là việc cán bộ và nhân dân Sông Hinh luôn tin theo Đảng, luôn “sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tình cảm và sự yêu mến đối với Bác nơi đâu cũng có, nhưng để thể hiện lòng yêu mến ấy bằng những hành động thiết thực thì mức độ ở mỗi nơi có khác nhau. Riêng đội ngũ cán bộ Sông Hinh đã được thắp sáng chất lửa nhiệt tình ấy ngay từ hình ảnh của đồng chí Nguyễn Cúc (Bốn Cúc), Bí thư Huyện uỷ lâm thời, trực tiếp xắn quần, lội ruộng hướng cho người dân cách xạ lúa cùng bao nhiêu hình ảnh của biết bao thế hệ cán bộ huyện đã vì dân mà xông pha, vì dân mà cống hiến đã ăn sâu, thấm đẫm, truyền cảm hứng cho bao thế hệ cán bộ, đảng viên noi theo; chất lửa đó được hun đúc qua nhiều thế hệ và bừng sáng khi toàn Đảng bộ huyện thực hiện Chỉ thị 06-CT/TW, ngày 07/11/2006 của Bộ Chính trị về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Khởi động cho cuộc vận động là mô hình “chào cờ đầu tuần” và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh dưới cờ bằng tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Bác, tiếp theo là tác phẩm “Đường cách mệnh”, “Dân vận” và hàng chục ngàn tư liệu, câu truyện, bài viết khác về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được triển khai học tập, theo phương châm “Học nghiêm túc, làm thật lòng, thật bụng; học đi đôi với hành, nói đi đôi với làm; nói thẳng, nói thật, làm thật bằng lương tâm và trách nhiệm” như lời đồng chí Nguyễn Thái Học, nguyên Bí thư Huyện uỷ khoá VI đã báo cáo tại hội nghị điểm hình tiến tiến toàn quốc năm 2009. Kết quả thực hiện cuộc vận động đã tạo chuyển biến rõ nét về phong cách, tác phong, lề lối, chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên; xuất hiện nhiều gương điển hình tiến tiến, nhiều mô hình hay, cách làm thiết thực như trăm hoa đua nở. Ghi nhận và đánh giá cao thành tích này, năm 2010 Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương lao động hạng ba cho đồng bào và nhân dân huyện Sông Hinh vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thứ hai: Cùng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ năm 2006 đến nay, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã thực hiện chủ trương lãnh đạo huyện tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại cấp xã, lãnh đạo xã tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại thôn, buôn, khu phố. Đây là việc làm tạo cầu nối mật thiết giữa Đảng với dân, giúp cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, biết tôn trọng nhân dân; đây cũng là phép thử, là bài kiểm tra, giám sát việc thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tham mưu, giải quyết các kiến nghị chính đáng của dân; qua đó để đánh giá đúng đắn, thật chất theo tiêu chí, bằng sản phẩm tinh thần trách nhiệm, năng lực, trình độ của từng cán bộ, công chức, viên chức và để bố trí, sắp xếp, đề bạt, quản lý, sử dụng. Gắn với đó là việc thực hiện nghiêm quy chế chất vấn trong Đảng, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các hoạt động của Đảng, của chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm việc tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 các khoá XI, XII và Kết luận số 21 của BCH Trung ương khoá XIII; thường xuyên theo dõi, giám sát việc thực hiện bản cam kết học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cán bộ, đảng viên; lấy đó làm thước đo để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên nên đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Thứ ba: Một điểm hình mang tính chất căn cốt, tạo nên sức bật mới của huyện là công tác cán bộ ở cơ sở. Vì là địa phương mới thành lập, nên nhìn chung đội ngũ cán bộ cơ sở giai đoạn đầu còn thiếu hụt; trình độ, năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế. Xuất phát từ thực tế đó, năm 2008, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quyết định chi ngân sách địa phương để thực hiện “Đề án Trí thức trẻ” cấp huyện, đưa 20 tri thức trẻ tốt nghiệp Trung cấp, Cao Đẳng, Đại học về công tác tại các xã khó khăn, trong thời gian 02 năm; hiện nay các thành viên đội tri thức trẻ của huyện đều đã trưởng thành, đa số là trưởng, phó các cơ quan, ban ngành và các xã, thị trấn. Cùng với việc thực hiện “Đề án trí thức trẻ cấp tỉnh” theo Nghị quyết 153/2010/HĐND, ngày 16/7/2010 và Nghị quyết 173/2010/HĐND, ngày 24/12/2010 của HĐND tỉnh “về chính sách giải quyết nghỉ chờ nghỉ hưu, nghỉ hưởng chế độ một lần đối với cán bộ, công chức cấp xã”, đến năm 2015, 100% cán bộ, công chức cấp xã được thay thế, kiện toàn đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định; trình độ, năng lực và tinh thần trách nhiệm được nâng lên tầng cao mới.
Thứ tư: Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng bộ huyện luôn xác định đây là ngành kinh tế chủ lực. Với đặt điểm của một huyện miền núi, để phát triển kinh tế nông nghiệp, ngoài lợi thế về chăn nuôi, thì việc phát triển cây trồng là vô cùng cần thiết. Trong đó việc mở rộng diện tích lúa nước để đảm bảo “ấm cái bụng” cho nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số là rất quan trọng. Từ suy nghĩ đó, hành động của Đảng bộ huyện trong mọi giai đoạn đều ưu tiên đầu tư, xây dựng phát triển các công trình thuỷ lợi gắn với san ủi đồng ruộng để cấp cho dân. Từ ngày thành lập huyện đến nay, huyện đã xây dựng được 25 công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ, đảm bảo tưới tiêu cho 1.610 ha. Hiệu quả từ việc khai thác sử dụng các công trình thuỷ lợi trên địa bàn đã góp phần hoàn thành việc “xoá đói” trước đây và “giảm nghèo” hiện nay; đã có không ít hộ dân vươn lên khá giả. Gắn với đó từ năm 2017 đến nay, thực hiện chủ trương khi phê duyệt, phân bổ ngân sách hàng năm, huyện luôn dành một tỷ đồng để thực hiện nâng cao hiệu quả kinh tế thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn một số hộ dân có điều kiện, đưa đi học tập các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả ở các nơi, đầu tư một phần kinh phí hỗ trợ giống, kỹ thuật, vật liệu, phân bón để họ thực hiện mô hình; nhờ đó đã có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như Sầu Riêng, Cam, Bưởi, Bơ Bút, Mít Thái, Heo đen,…trong đó có một số sản phẩm đã được công nhận OCOP mang thương hiệu Sông Hinh. Có thể nói kết quả thực hiện các chủ trương trên gắn với việc phát triển các cây, con chủ lực khác trên địa bàn (cao su, sắn, mía, keo, lúa nước, chăn nuôi bò, nuôi heo trang trại,…) đã tạo nên bước nhảy lớn về giá trị kinh tế.
Thứ năm: Trong lĩnh vực xã hội có một điểm sáng cần nêu đó là việc đầu tư các công trình cung cấp nước sạch cho dân. Từ bài học kinh nghiệm của nhiều năm, mỗi khi bị khô hạn, phải chi rất nhiều ngân sách để mua nước, vận chuyển từng thùng nước cho dân, Ban Thường vụ Huyện uỷ luôn quan tâm, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình nước sạch trên địa bàn. Đến nay toàn huyện đã có 08 công trình cung cấp nước sạch ở 08 xã; cùng với hoạt động của Công ty cổ phần cấp nước Phú Yên trên địa bàn thị trấn và một số xã lân cận, đã có 99% dân cư đô thị và 81,5% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. Đây thật sự là “điểm sáng của một huyện miền núi” như lời tuyên dương của đồng chí Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng khi đến thăm và làm việc với lãnh đạo địa phương tại xã Ea Trol năm 2019.
Thứ sáu: Trên lĩnh vực Quốc phòng An ninh, huyện Sông Hinh với đặc điểm là huyện miền núi, giáp ranh với các tỉnh Tây nguyên, có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống (hiện nay là 22 dân tộc), tỷ lệ người dân tộc thiếu số chiếm gần một nửa (hiện nay là 47,76%). Các tàn dư của chế độ cũ, các thế lực thù địch, Fulro luôn tìm mọi cách để chống phá từ nhiều mặt, với thủ đoạn rất xảo quyệt và thâm độc. Nhiệm vụ hàng đầu được Đảng bộ huyện ưu tiên là phát huy đoàn kết dân tộc theo lời Bác Hồ dạy “… tất cả đều là con cháu Việt nam, đều là anh em ruột thịt, sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau…” và phải đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo sự bình yên để phát triển. Do đó Đảng bộ huyện đã lãnh đạo toàn dân phối hợp với các lực lượng ứng phó kịp thời mọi tình huống, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; đấu tranh, ngăn chặn vô hiệu hoá các tổ chức phản động, kích động chia rẽ mối đoàn kết dân tộc, hoạt động lôi kéo một số người dân tộc thiểu số tham gia chống phá Đảng, nhà nước những năm đầu của thế kỷ 21; việc lôi kéo người dân tộc thiểu số trốn đi nước ngoài những năm gần đây và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm trên địa bàn.
Có thể nói Sông Hinh hiện nay đã và đang là một bức tranh tươi sáng, bình yên. Tăng trưởng bình quân mỗi năm đều trên hai con số. Có 05/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sự nghiệp giáo dục đào tạo và y tế có nhiều tiến bộ; toàn huyện có 23/27 trường đạt chuẩn quốc gia, 11/11 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập TH và THCS; có 36 bác sĩ, bình quân đạt gần 7 bác sĩ/vạn dân. Trung tâm của huyện thật sự là một thị tứ khang trang, sạch đẹp. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả tích cực. Có được những thành tựu nêu trên là do Đảng bộ và toàn dân huyện nhà đã luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo đề ra các chủ trương, giải pháp sát tình hình cụ thể của huyện, tạo nên xung lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà nhân dân các dân tộc và cán bộ, đảng viên huyện nhà đạt được, Đảng và Nhà nước đã trao tặng Huân chương lao động hạng ba (năm 2000), Huân chương lao động hạng hai (năm 2004), Huân chương lao động hạng nhất (năm 2009) và Huân chương độc lập hạng ba (năm 2014) cho huyện Sông Hinh “vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.
Truyền thống quý báu ấy mãi là ngọn lửa mà các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân Sông Hinh hôm nay và mai sau phải giữ gìn, nuôi dưỡng, phát huy; thật sự trong sáng, công tâm, vô tư, khách quan, vì nhân dân, vì cái chung, vì người khác trước khi vì mình, tiếp tục đoàn kết, mạnh mẽ, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa để xây dựng quê hương Sông Hinh phát triển nhanh và bền vững./.
Nguyễn Chí Hiền
Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ